Bộ Giao thông Vận tải nói gì về việc Ga Hạ Long vắng khách, hư hỏng?
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, nhu cầu vận tải bằng đường sắt trên tuyến Hạ Long - Cái Lân là rất hạn chế.
Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại Văn bản số 75/CP-CN ngày 9/1/2004 với tổng chiều dài 131 km (trong đó có 43 km xây dựng mới và 88 km cải tạo, nâng cấp đường cũ); điểm đầu Dự án từ tim ga Yên Viên và điểm cuối là bãi xếp dỡ của cảng Cái Lân.
"Dự án được chia thành 4 tiểu dự án thành phần, vận hành độc lập (trong đó đoạn Hạ Long - Cái Lân hơn 5km đã hoàn thành và đưa vào khai thác). Tuy nhiên, đến năm 2011, Dự án phải dừng, giãn tiến độ do thiếu vốn", Bộ Giao thông Vận tải cho biết.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, đoạn Yên Viên -Hạ Long vẫn đang khai thác trên nền hạ tầng cũ, lạc hậu bên cạnh sự phát triển nhanh chóng về hệ thống đường bộ dọc tuyến (QL18 + Đường cao tốc nối Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long) nên nhu cầu vận tải bằng đường sắt trên tuyến này là rất hạn chế.
Hiện nay, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang cố gắng vận hành 1 chuyến tàu/ngày nhưng rất vắng khách dẫn đến không có giá trị kinh tế, chủ yếu duy trì phục vụ dân sinh; bên cạnh đó đoạn Hạ Long - Cái Lân mục đích chính là vận tải hàng hóa sản lượng hầu như không có.
“Điều này dẫn đến chi phí vận hành, tổ chức cũng như duy tu bảo dưỡng hạ tầng nói chung rất thiếu thốn. Điều đó có thể dẫn đến một số hạng mục có tình trạng như thông tin Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh”, Bộ Giao thông Vận tải nêu.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, Bộ sẽ cho kiểm tra và yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp nhận thông tin và sớm có phương án khắc phục.
Trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp thông tin, Ga Hạ Long và ga Cái Lân với tổng mức đầu tư gần 2000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ là điểm vận chuyển hàng hóa lớn nhất bắc bộ. Nhưng 5 năm qua hoang vắng vài bóng hàng.
Mỗi ngày, ga Hạ Long chỉ đón và tiễn duy nhất một đoàn tàu 4 toa, cũ kỹ được nhập của Trung Quốc từ những năm 60. “Khách khứa đâu ra, thi thoảng mới có khách cũng chỉ chở mấy cọng rau cho các bà chợ tạm thôi” – ông Nguyễn Đức Tân - Trưởng ga Hạ Long nói.
Lý giải cho sự ảm đảm xót xa này, ông Nguyễn Đức Tân cho biết, "đường sắt ở đây chạy khổ 1,435m nên chỉ chạy lên được Yên Viên (Hà Nội) hoặc Kép (Bắc Giang). Muốn chuyên chở hàng hóa cũng khó vì toàn quốc đang sử dụng khổ ray 1m, phải mất thêm chi phí bốc xếp chuyển toa nên chẳng ai dại gì mà vận chuyển bằng đường sắt cả. Còn khách khứa thì người ta chọn đường bộ cho tiện lợi, cực chẳng đã, người ta mới đi tàu”.