Kỳ án “buôn lậu” gỗ trắc lớn nhất Miền Trung: Tòa tuyên 7 năm tù với ông Trương Huy Liệu

Huỳnh Khởi 26/07/2019 18:39

Sau một tuần lùi thời gian tuyên án như dự kiến, ngày 26/7, HĐXX phúc thẩm vụ án buôn lậu gỗ của Công ty TNHH Ngọc Hưng đã tuyên án tăng hình phạt đối với các bị cáo.

Cụ thể, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Trương Huy Liệu, Phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng 7 năm tù về tội “buôn lậu” (trừ án sơ thẩm phạt 1 năm 16 ngày tù, bằng thời gian tạm giam); tuyên phạt bị cáo Trần Thị Dung 3 năm tù treo (án sơ thẩm phạt 9 tháng tù treo). Tuyên phạt nguyên công chức Hải quan Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành mỗi người 9 tháng tù treo (như án sơ thẩm) về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đồng thời kiến nghị Chánh án tòa án Tối cao tăng hình phạt đối với nhóm bị cáo nguyên là công chức Hải quan vì cho rằng tuy kiểm hóa đạt tỷ lệ 5% như quy định nhưng không kiểm hết 22 container là vi phạm quy trình kiểm hóa Hải quan.

Các bị cáo tiếp tục kiêu oan.

Các bị cáo tiếp tục kiêu oan sau khi nghe tuyên án. Ảnh: Lan Thanh.

HĐXX cũng quyết định chấp nhận rút kháng cáo đình chỉ xét xử kháng cáo của Công ty Ngọc Hưng vì VKSND tối cao đã ra quyết định Khởi tố vụ án 'Ra quyết định trái pháp luật' bán lô gỗ vật chứng xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an và dành quyền khởi kiện dân sự đòi lại lô gỗ cho Công ty Ngọc Hưng.

HĐXX cho biết diễn biến tại phiên tòa đã xác định lô gỗ xuất khẩu của Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu theo tờ khai Hải quan 1505/2011 tại cửa khẩu Lao Bảo và xuất khẩu theo tờ khai xuất khẩu số 849/2011 chính là lô hàng đã nhập khẩu trước đây tại cửa khẩu Lao Bảo (xuất khẩu, nguyên lô hàng nhập khẩu). Lô gỗ đã được Công ty Ngọc Hưng kê khai thuế theo quy định. Các căn cứ giám định cũng không đủ căn cứ kết luận Công ty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ nhập khẩu lô gỗ. Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu vào 535,8 m3 khối gỗ và xuất ra cũng với số lượng gỗ đó, tuy không có động cơ gian dối hưởng lợi từ chênh lệch đầu vào, đầu ra.

Tuy nhiên, căn cứ kết luận 783/STTNSV ngày 26/11/2012 của Viện sinh thái tài nguyên sinh vật xác định lô gỗ có 614,671 m3 (gồm 590,943 m3 gỗ trắc và 23,828 m3 gỗ giáng hương). Như vậy, nếu so với tờ khai nhập và xuất khẩu lô hàng (535,8 m3 gỗ trắc) thì còn thừa 78,872 m3 gỗ trong đó có 23,828 m3 gỗ hương và 55,044m3 gỗ trắc không khai báo với giá trị hàng hóa 4.136.250.000 đồng. (gỗ hương 1.191.400, gỗ trắc 2.944.854.000 đồng). Đây cũng là căn cứ để HĐXX kết tội bị cáo Liệu, Dung về tội “buôn lậu” và tuyên tịch thu 23, 828m3 gỗ được quy kết là buôn lậu.

Trong quá trình điều tra C44 Bộ Công an đã cho bán trái phép lô gỗ vật chứng, số tiền thu được theo báo cáo là 63.826.060.000 đồng. HĐXX tuyên sau khi trừ giá trị 23,828 m3 gỗ bị tịch thu số tiền bán lô gỗ còn lại (59.689.806.000 dồng) được chuyển hết cho Cục phòng chống buôn lậu Tổng cục Hải quan quản lý để xử lý hành chính đối với Công ty Ngọc Hưng.

Điều đáng quan tâm là trong phần thẩm vấn, tranh luận tại phiên tòa, các luật sư, và bị cáo cũng đã viện dẫn căn cứ pháp lý thuyết phục cho thấy: Hội đồng giám định để cho ra kết luận 783/STTNSV không đủ năng lực chuyên môn, phương pháp giám định thô sơ chỉ bằng mắt thường. Trước kết luận 783, Viện này có giám định 151/STTTNSV với số liệu khác xa hơn 160 m3 gỗ so với kết luận 783. Thế nhưng kết luận 151 được dùng để khởi tố vụ án và HĐXX sơ thẩm cũng căn cứ kết luận 151 để buộc tội các bị cáo. Mặc dù một phần bản án sơ thẩm đã có hiệu lực (bị cáo Đỗ Danh Thắng đã chấp hành bản án) nhưng HĐXX phúc thẩm lại sử dụng kết luận giám định 783/STTNSV với số lượng gỗ nhiều hơn để làm căn cứ tăng nặng hình phạt đối với các bị cáo?

Huỳnh Khởi