Sẽ sớm có hướng dẫn thực hiện hoá đơn điện tử
"Một trong những vướng mắc lớn trong triển khai hóa đơn điện tử chính là mặt pháp lý chưa đồng bộ và Tổng cục Thuế sẽ có hướng dẫn cụ thể trong thời gian sớm nhất".
Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn -Tổng cục Thuế đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Ông Phụng cũng cho biết, Nghị định 119/2018/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý cho việc áp dụng và phổ biến rộng rãi hóa đơn điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chứng từ, hồ sơ điện tử, thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, góp phần quản lý hoạt động kinh tế phi chính thức… Điều này khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang hình thức hóa đơn điện tử thay thế cho hóa đơn giấy truyền thống.
Tuy nhiên, doanh nghiệp và ngay chính cơ quan thuế chúng tôi vẫn còn gặp nhiều vướng mắc khi thực hiện các quy định trong Nghị định 119/CP, theo tôi điều này ảnh hưởng đến tiến độ phủ sóng hóa đơn điện tử trên khắp cả nước.
- Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai hoá đơn điện tử đang gặp nhiều vướng mắc?
Để công tác triển khai hoá đơn điện tử được thuận lợi, ngay từ đầu công tác lựa chọn doanh nghiệp tham gia triển khai thí điểm đã được Tổng cục Thuế triển khai nhằm đảm bảo đa dạng về loại hình, ngành nghề trên cơ sở tự nguyện của doanh nghiệp.
Với việc dùng hoá đơn điện tử, theo đó doanh nghiệp chỉ cần thông báo qua mạng gửi đến cơ quan thuế về việc sử dụng hoá đơn điện tử và được sử dụng ngay sau khi thông báo được chấp nhận. Dữ liệu về hóa đơn được chuyển về cơ quan thuế nên doanh nghiệp cũng không cần báo cáo sử dụng hóa đơn. Việc sử dụng hoá đơn điện tử, tôi khẳng định giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian lập Tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) so với sử dụng hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in vì phần mềm tạo hóa đơn tự động kết chuyển số liệu vào Tờ khai thuế GTGT.
- Điều đáng nói, hướng dẫn chi tiết và minh bạch cho Nghị định 119/2018/NĐ-CP vẫn là “khoảng trống” không đáng có, thưa ông?
Theo tôi đúng là đang có những “khoảng trống” quy định và đánh giá các đơn vị triển khai, quy định về ngày ký, ngày lập hóa đơn chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cho các loại hóa đơn đặc biệt…
Cơ quan thuế thì khuyến khích việc sử dụng hóa đơn điện tử nhưng khi DN dùng hóa đơn điện tử, mang đến kho bạc hay đơn vị bảo hiểm... lại yêu cầu chuyển đổi sang hóa đơn giấy.
Bên cạnh đó, là những vướng mắc trong hoạt động triển khai chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp như thuế, kho bạc, bảo hiểm, quản lý thị trường. Ví dụ, cơ quan thuế thì khuyến khích việc sử dụng hóa đơn điện tử nhưng khi doanh nghiệp dùng hóa đơn điện tử, mang đến kho bạc hay đơn vị bảo hiểm thì lại chưa chấp nhận loại hóa đơn này, họ yêu cầu doanh nghiệp lại chuyển đổi sang hóa đơn giấy. Việc này làm mất đi ý nghĩa của việc triển khai hóa đơn điện tử.
- Trong Luật Quản lý thuế 2019, khi triển khai hoá đơn điện tử các doanh nghiệp có quyền truy cứu vào hệ thống dữ liệu của ngành thuế để tra cứu thông tin, các doanh nghiệp cũng đang kỳ vọng hơn nữa vào sự minh bạch trong quản lý thuế, thưa ông?
Luật Quản lý thuế vừa được thông qua quy định doanh nghiệp có quyền truy cập vào hệ thống dữ liệu của ngành thuế để tra cứu hóa đơn của đối tác trong các giao dịch thương mại, từ đó tránh được các rủi ro về hóa đơn. Điều này tôi cho rằng là hết sức cần thiết vì dữ liệu hóa đơn điện tử giúp cho việc nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Với việc hoá đơn điện tử sẽ dần thay thế vị trí của hóa đơn giấy trong giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ, công tác quản trị của doanh nghiệp cũng như quản lý của cơ quan thuế đã được thực hiện tốt hơn…
Có thể bạn quan tâm
Triển khai hóa đơn điện tử: Khó khăn vướng mắc và giải pháp
05:01, 02/08/2019
“Khoảng trống pháp lý” hoá đơn điện tử
10:47, 31/07/2019
Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai hóa đơn điện tử
13:30, 30/07/2019
Việc sử dụng hoá đơn điện tử còn giúp ngành Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về hóa đơn; từ đó có thể phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế được nhanh hơn. Bên cạnh đó có thể giúp cơ quan hải quan tại các cửa khẩu, sân bay nhanh chóng có thông tin để thực hiện hoàn thuế, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển…
- Luật Quản lý thuế có quy định ngày 01/7/2022 mới thực hiện đồng bộ hoá đơn, chứng từ điện tử trong khi Nghị định 119 lại áp dụng ngày 1/7/2020, do có độ “vênh” khá lớn về mặt thời gian như trên thì Thông tư hướng dẫn có thể hóa giải không, thưa ông?
Rất nhiều ý kiến cho rằng, theo Luật thì phải đến ngày 01/7/2022 mới bắt buộc phải dùng hóa đơn điện tử trong mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Điều này có ảnh hưởng rất lớn tới công tác tuyên truyền, triển khai hóa đơn điện tử của cơ quan thuế, các tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Tổ soạn thảo đang cân nhắc hai phương án xử lý xảy ra. Phương án 1: Phải sửa đổi quy định: “ Việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử được quy định chậm nhất là ngày 01/11/2020” tại Nghị định 119/2018 cho phù hợp với thời gian của Luật Quản lý thuế (sửa đổi): “thực hiện chậm nhất không quá hai năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành”.
Phương án hai: Cơ quan thuế phải tiến hành việc tuyên truyền, vận động người bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thực hiện hóa đơn điện tử theo thời gian “chậm nhất” quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP. Thời gian “chậm nhất” theo Nghị định 119/CP vẫn nằm trong khoảng “chậm nhất không quá 02 năm” của Luật Quản lý thuế (sửa đổi)… Tất cả điều này Tổ soạn thảo đang xem xét và kiến nghị Bộ Tài chính sẽ giải quyết trong việc ban hành Thông tư hướng dẫn sớm nhất để đáp ứng nhu cầu mong mỏi của doanh nghiệp…
-Xin cảm ơn ông!
Bạn đọc có câu hỏi thắc mắc liên quan đến hóa đơn điện tử có thể gửi vào email hoadondientu@dddn.com.vn. BBT sẽ có thông tin tin phản hồi sớm.