Nới hay thắt đăng ký doanh nghiệp?
Luật Doanh nghiệp đang nhận nhiều băn khoăn về việc tập trung đăng ký doanh nghiệp về một đầu mối hay tách việc đăng ký doanh nghiệp một số ngành đặc thù về cơ quan quản lý chuyên ngành?
Khi sửa Luật Doanh nghiệp 2014, Ban soạn thảo đã đề xuất sửa Điều 3 của Luật này theo hướng: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó, trừ thủ tục đăng ký doanh nghiệp”.
Tách đăng ký kinh doanh khỏi luật chuyên ngành
Thật ra, đây là một trong những sửa đổi tiến bộ, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân theo điều 33, Hiến pháp 2013. Theo đó, “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.” Có một vấn đề về cách hiểu pháp luật ở đây.
Có thể bạn quan tâm
Luật Doanh nghiệp và cổ đông nhỏ
15:00, 15/06/2019
Góp ý dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi: “Cần minh bạch thủ tục đầu tư”.
11:33, 30/05/2019
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp: Cú hích cho sự phát triển của doanh nghiệp
11:02, 04/04/2019
Theo quy định của Hiến pháp thì người dân chỉ bị cấm kinh doanh trong những ngành nghề bị… cấm. Cụ thể, theo Luật Đầu tư 2014, thì có 6 ngành nghề kinh doanh bị cấm. Đó là: kinh doanh các chất ma túy; đầu tư kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật, kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã; kinh doanh mại dâm; mua, bán người hoặc mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; đầu tư kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên cơ thể con người.
Như vậy, một cách tường minh, ngoài 6 ngành nghề bị luật cấm kinh doanh nói trên, thì các ngành nghề khác mọi người được tự do kinh doanh. Tuy nhiên, vì có những ngành nghề kinh doanh không phải bất kể cá nhân, tổ chức nào cũng có đủ điều kiện triển khai. Vì vậy, Luật Đầu tư 2014 đã quy định về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.
Theo đó, Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Danh mục các ngành nghề đầu tư, kinh doanh đã từng được điều chỉnh từ 267 xuống còn 243 ngành, nghề hồi năm 2016.
Như vậy, có nghĩa là theo xu hướng chung, quyền tự do kinh doanh của người dân ngày càng được tôn trọng hơn. Nhiều cơ quan như VCCI, CIEM và các chuyên gia đang kỳ vọng đợt sửa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư lần này sẽ thúc đẩy hơn nữa quyền tự do kinh doanh của người dân.
Công bằng mà nói, việc kiến nghị để thủ tục “đăng ký kinh doanh” không nằm trong các luật chuyên ngành là một đề xuất tốt trong xu hướng tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân. Việc tách bạch giữa quyền tự do kinh doanh hiến định của người dân và doanh nghiệp với việc cấp phép cho các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là việc cần thiết. Bởi quyền tự do kinh doanh của người dân phải là điều mà Nhà nước ghi nhận thông qua thủ tục đăng ký kinh doanh thông thoáng và chi phí thấp như đang diễn ra. Điều ấy cũng có nghĩa là, việc ghi nhận quyền tự do kinh doanh, hay cụ thể là quyền thành lập doanh nghiệp nên được đưa về một đầu mối thống nhất.
Còn việc cấp phép kinh doanh sẽ chỉ xảy ra đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiểu một cách nôm na, ai cũng có quyền thành lập doanh nghiệp và nhà nước phải có một cơ quan ghi nhận quyền ấy. Nhà nước không thể “ban phát” cho người này, người kia quyền tự do kinh doanh (thành lập doanh nghiệp) và chỉ có một động thái duy nhất là ghi nhận ý chí kinh doanh của một chủ thể. Còn việc doanh nghiệp ấy được thành lập ra, có đáp ứng được các quy định đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không thì khi đó mới tuân theo luật chuyên ngành. Nói khác đi, khi doanh nghiệp được thành lập rồi, thì mới tính đến chuyện cấp phép hoạt động.
Bộ Tư pháp muốn tăng cường quản lý
“Rắc rối” có lẽ đến từ Bộ Tư pháp khi bộ này nại ra những ngành nghề kinh doanh đặc thù như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng... và cho rằng: việc thành lập doanh nghiệp đòi hỏi phải hết sức chặt chẽ, quy định rất cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập và đăng ký cho doanh nghiệp. Điệp khúc để “tăng cường hoặc phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước lại được đưa ra”.
Nhưng thực tế, Luật Chứng khoán cũng đã theo xu hướng mới là tách bạch quyền thành lập doanh nghiệp và cấp phép hoạt động. Ngân hàng cũng đã thông thoáng hơn trong thủ tục đăng ký kinh doanh. Bảo hiểm thì cũng không đến nỗi… Điều đáng nói có lẽ là một sự lo ngại khác. Bởi nếu tách bạch được quyền thành lập doanh nghiệp và cấp phép kinh doanh, thì những ngành, nghề như đấu giá, luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng… có thể trở nên phổ quát hơn khi ai cũng có quyền đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Đương nhiên, phải hiểu rằng không phải cứ thành lập doanh nghiệp là có thể kinh doanh được ngay. Một doanh nghiệp sau khi được thành lập, muốn hoạt động được trong các lĩnh vực có điều kiện thì ngoài việc phải đáp ứng được những điều kiện như pháp luật quy định, thì còn chịu sự “sàng lọc, kiểm tra” của thị trường.
Những lo ngại của Bộ Tư pháp về các vấn đề kỹ thuật lập pháp (như phải sửa đổi, bổ sung các quy định trong các luật chuyên ngành) hay chi phí xã hội… có lẽ cần phải được xem xét lại. Bởi nếu có những sửa đổi mà tạo thuận lợi hơn cho người dân, thì như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”. Điều đáng nói, thay vì phải “đấu tranh” một cách quyết liệt để sửa đổi Điều 3 Luật Doanh nghiệp, thì ở dự thảo mới nhất, Bộ KH&ĐT lại giữ nguyên quy định tại Điều 3 Luật Doanh nghiệp hiện hành.
Đành rằng tranh cãi giữa các bộ là khó tránh khỏi trong quá trình dự thảo các văn bản luật để trình Quốc hội, nhưng câu chuyện ở đây có lẽ không nằm ở những quan điểm khác nhau ấy. Mấu chốt vấn đề vẫn là câu chuyện “nhà nước và thị trường” mà chúng tôi sẽ trở lại khi có dịp.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW: Tương tự công ty chứng khoán Công ty bảo hiểm được thành lập theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Thực tế trên dẫn đến thông tin các doanh nghiệp do Bộ quản lý chuyên môn cấp phép thành lập không được công bố trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Luật sư Lê Minh Trường - Giám đốc điều hành Công ty Luật Minh Khuê: Chúng ta cũng đã xây dựng được Cổng thông tin đăng kí kinh doanh Quốc gia, nhưng các bộ máy xử lý hành chính của chúng ta lại đơn lẻ. Ví dụ, muốn mở một công ty luật phải đến Sở Tư pháp, muốn mở công ty dịch vụ chuyển phát nhanh phải đến Sở Thông tin & Truyền thông… dẫn đến câu chuyện có rất nhiều cơ quan đăng kí kinh doanh tồn tại độc lập và song song với nhau. Do đó, nên có một cơ quan đăng kí kinh doanh chung cho tất cả Sở, Ban, ngành để tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho doanh nghiệp. Cơ quan đăng kí kinh doanh chung và thống nhất sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề về mặt thủ tục, quy trình thẩm định hồ sơ. |