“Kỳ án” Alibaba và những dự án “ma”: Vì sao cứ phải chờ tới Thủ tướng chỉ đạo?
Những vi phạm của Alibaba đã rõ, nạn nhân đã có đơn tố cáo, nhiều cơ chức năng đã vào cuộc nhưng vẫn chưa có kết quả… Và cuối cũng vẫn phải chờ Thủ tướng chỉ đạo là điều hết sức khó hiểu.
Khe hở pháp lý…
Sự coi thường pháp luật đến lạ lùng của Alibaba thông qua việc rao bán các dự án “ma” cho khách hàng nhưng không thực hiện đúng như cam kết; chống trả quyết liệt khi đoàn cưỡng chế của cơ quan chức năng làm nhiệm vụ; lôi kéo nhân viên tới trụ sở công an để yêu cầu “thả người”; lên mạng sỉ nhục lực lượng công an xã, Chủ tịch xã; bất chấp tất cả những thông tin cảnh bảo của địa phương về hành vi rao bán đất nền trái pháp luật; tiếp tục công khai tổ chức hội thảo rao bán đất nền ở những vị trí mới tại một số địa phương… Đặc biệt, mới đây nhất là hành vi đánh khách hàng tại trụ sở của Alibaba tới mức phải nhập viện… Thế nhưng các cơ quan chức năng vẫn “bó tay”, không thể chặn đứng được hành vi vi phạm pháp luật của Alibaba là vấn đề hết sức khó hiểu.
Đáng chú ý, trước những thông tin phản ánh liên tiếp của báo chí về hành vi coi thường pháp luật của Alibaba, ngày 13/8/2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Công an vào cuộc để điều tra vụ việc liên quan tới Alibaba. Cụ thể, tại văn bản số 7184/VPCP-V.I, ngày 13/8/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc làm rõ nội dung phản ánh của báo chí liên quan tới Công ty Địa ốc Alibaba.
Theo nguyên văn nội dung của Văn phòng Chính phủ, nêu: Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an xác minh, làm rõ nội dung báo chí phản ánh liên quan đến Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba).
Cũng theo văn bản chỉ đạo, thời gian gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về các vi phạm của Công ty Alibaba trong việc rao bán các dự án bất động sản tại một số địa phương. Về việc này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ thông tin phản ánh của báo chí liên quan đến các vi phạm của Công ty Alibaba trong thời gian qua, có biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 9/2019.
…hay cơ quan chức năng thiếu nhiệt tình…?
Điểm lại các hành vi vi phạm pháp luật, rao bán đất nền tại các dự án “ma” của Alibaba ở một số địa phương, Luật sư Nguyễn Hải Vân – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, phân tích: Căn cứ vào Luật kinh doanh BĐS, các văn bản thực thi pháp luật khác… chúng ta tạm thời đồng ý với việc trong luật có những kẽ hở khiến doanh nghiệp lợi dụng vào đó để lách luật, hay ranh giới mong manh giữa hình sự và dân sự khiến các cơ quan thi hành pháp luật còn rụt rè, không dám mạnh tay để ra quyết định xử lý. Tuy nhiên, trong một trường hợp cụ thể nếu các ranh giới mong manh chưa phân định rõ ràng bởi luật, thì các cơ quan đó có thể đề xuất và ban hành các văn bản dưới luật để xử lý những tình huống cụ thể trên cơ sở đúng quy trình pháp luật.
Đối với trường hợp của Alibaba, căn cứ vào những hành vi cụ thể mà Alibaba đã đã vi phạm trong thời gian vừa qua là đủ cơ sở để khởi tố hình sự và khép lại hồ sơ vụ việc – Luật sư Vân nói.
Cũng theo Luật sư Vân, hành vi của Alibaba rao bán đất nền không có thực, đặc biệt, các dự án này chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt (dự án không có thật), thế nhưng Alibaba lại công khai rao bán, thu tiền của khách hàng là hành vi “lừa dối khách hàng” để thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, sau khi đạt được mục đích (thu tiền của khách hàng), nhưng lại không thực hiện đúng như cam kết về việc trả lãi suất, giao đất nền với khách hàng, đồng thời tự ý chuyển nhượng hợp đồng dự án của khách sang một dự án khác. Trong đó, nổi cộm một hành vi khá rõ ràng (thông tin do nạn nhân cung cấp), là hành vi “giả chữ ký” của khách hàng để hợp thức hóa các chứng từ, lừa khách hàng, lừa các cơ quan chức năng là đủ yếu tố để khởi tố hình sự theo Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể:
Nếu người giả mạo chữ ký thực hiện các giao dịch nhằm chiếm đoạt tài sản; di sản thừa kế; thực hiện các hợp đồng mua bán, tặng cho một cách gian dối, chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu hoặc bên thứ 3,.. thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác theo Điều 174 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ….”. Bên cạnh đó, tại Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”, cụ thể: Bộ luật Hình sự mới cho phép khởi tố tổ chức sử dụng đất trái pháp luật, khi chuyển nhượng, giao dịch, không tuân theo Luật Kinh doanh bất động sản, như phê duyệt dự án; làm cơ sở hạ tầng và phải có khâu nghiệm thu của Sở Xây dựng.
Có thể bạn quan tâm
Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ nội dung báo phản ánh liên quan đến Công ty địa ốc Alibaba
18:04, 14/08/2019
Chủ tịch Công ty địa ốc Alibaba bị xử phạt 7,5 triệu đồng
17:21, 01/08/2019
Alibaba rao bán dự án ảo bất chấp chính quyền cảnh báo
09:45, 29/07/2019
Đừng để Địa ốc Alibaba lộng hành, xem thường luật pháp
13:03, 28/07/2019
Điều tra vụ nhân viên Alibaba làm khách hàng bị chấn thương
16:48, 23/07/2019
Theo quy định của pháp luật, hợp đồng loại gì không phải là căn cứ vào tiêu đề mà căn cứ vào bản chất của các bên ký hợp đồng. Hợp đồng hợp tác kinh doanh phải có hai yếu tố: đưa vào tổng vốn đầu tư của dự án; chia sẻ lợi nhuận bằng tiền.
Vì vậy, đối với hợp đồng của Alibaba đã ký với khách hàng không có hai yếu tố này, mà lại có yếu tố một bên chuyển tiền cho Alibaba và quyền lợi nhận lại là từng nền đất cụ thể (đất nền, dự án chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt cụ thể). Như vậy, bản chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất chứ không thể hợp tác kinh doanh.
Ví dụ, trong các vụ án kinh doanh thương mại, dân sự thì tất cả hợp đồng loại này khi ra tòa xác định là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do đó, rõ ràng việc Alibaba chuyển nhượng như thế là trái pháp luật, sản phẩm chưa đủ điều kiện nhưng tổ chức rao bán trên phương tiện thông tin đại chúng, quảng bá, làm sự kiện… là trái với quy định của điều 228 Bộ luật Hình sự. Như vậy, căn cứ vào những vi phạm trên Alibaba đã hội tụ đủ tất cả các yếu tố để thừa khả năng khởi tố hình sự. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các cơ quan chức năng có “thực sự nhiệt tình vào cuộc để khởi tố tổ chức Alibaba để khép lại hồ sơ hay không, chứ không thể đổ lỗi cho lỗ hổng pháp lý nên chưa thể khởi tố”? – Luật sư Vân đặt câu hỏi.
"Về quy trình, khi khởi tố tổ chức thì mới tiến hành các hoạt động điều tra, mới làm rõ các tình tiết, lúc đó mới tìm được có hay không tội lừa đảo của các cá nhân?” - luật sư Vân cho biết thêm.
…và quá muộn màng
Bình luận sâu hơn vào từng trường hợp cụ thể, Luật sư Nguyễn Tiến Lực - Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích: Đáng chú ý trong vụ việc này là “khi khách hàng đóng tiền theo các điều khoản tại hợp đồng, tiền được yêu cầu chuyển vào tài khoản cá nhân chứ không phải công ty, và đến khi thanh lý hợp đồng nhiều tháng vẫn không đòi được tiền theo cam kết. Thậm chí, có trường hợp khách hàng đòi rút tiền, Alibaba có dấu hiệu làm giả chữ ký để tự ý thay khách hàng tái đầu tư vào các dự án khác của chính công ty này là khó chấp nhận”.
Cụ thể, trường hợp của bà Làm A Lìn (ngụ 325/22G đường Bạch Đằng, P.15, quận Bình Thạnh, TP.HCM), mà báo chí đã nêu cho thấy: Ngày 26/7/2018, bà Lìn đã ký kết hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng 1 nền đất với Công ty cổ phần bất động sản Chiến Thắng và ký kết hợp đồng quyền chọn với Công ty cổ phần địa ốc Alibaba để mua lô đất tại dự án Alibaba Center City 5 tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Và ngay sau khi ký hợp đồng, bà đã thanh toán 95% giá trị lô đất với tổng số tiền hơn 452 triệu đồng cho Công ty Alibaba. Theo hợp đồng, bà được Công ty Alibaba cam kết lợi nhuận 12% sau 6 tháng. Tuy nhiên, theo thông tin phản ánh kể từ ngày đến hạn đến nay (tức sau 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng) bà Lìn đã nhiều lần liên hệ với Công ty Alibaba nhưng đều không nhận được sự quan tâm của Alibaba là vấn đề chúng ta phải xem xét – Luật sư Lực đặt vấn đề.
Cũng theo Luật sư Lực, một vấn đề nữa là sau khi thấy đơn vị này không rõ ràng, minh bạch, khách hàng đã quyết thanh lý hợp đồng, lấy lại tiền. Thế nhưng trong quá trình đòi tiền, đã phát sinh thêm Công ty Alibaba lập một hợp đồng tái đầu tư 7 lô đất khác ở Đồng Nai nhưng đó là hợp đồng giả vì Công ty Alibaba đã cho người giả chữ ký của bà Lìn.
Như vậy, việc Alibaba giả chữ ký, tự ý thay bà Làm A Lìn lập hợp đồng tái đầu tư vào các dự án khác của công ty này là cơ sở để khởi tố hình sự. Bên cạnh đó cũng có khá nhiều những trường hợp tương tự như trên, đều có đơn tố cáo, đều là nạn nhân và cùng trong một hành vi, cùng sự việc là hoàn toàn có cơ sở để xác định phạm tội. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, nhiều chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của Alibaba đối với khách hàng, coi thường cơ quan chức năng, thậm chí coi thường pháp luật, thông qua việc bất chấp pháp luật, tự lập dự án, tự ý xây dựng công trình trái phép, bêu rếu cán bộ xã, công an xã, chống trả quyết liệt lực lượng chức năng, đập phá tài sản nhà nước, đánh đập khách hàng phải nhập viện… thế nhưng lực lượng chức năng lại chưa thể khởi tố Alibaba mà phải đợi có chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là thiếu nhiệt tình và quá muộn màng – Luật sư Lực nhấn mạnh.