Thép xuất khẩu sang Canada có thể bị khởi kiện?
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa đưa ra cảnh báo nguy cơ bị khởi kiện phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam sang Canada.
Trên cơ sở theo dõi thông tin tình tình xuất khẩu thép của Việt Nam sang Canada trong thời gian gần đây, ngày 22/8/2019, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) đã tổ chức buổi họp với Hiệp hội Thép Việt Nam nhằm trao đổi thông tin, cảnh báo nguy cơ bị khởi kiện vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế với sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam.
Căn cứ số liệu của Hải quan Canada, Cục Phòng vệ thương mại cho biết các sản phẩm thép trong chương 72 xuất khẩu từ Việt Nam có sự gia tăng đáng kể, cụ thể: trong năm 2018, Canada nhập khẩu khoảng 37 triệu USD Canada các sản phẩm thép của Việt Nam, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2019, Canada đã nhập hơn 103 triệu USD la Canada các sản phẩm này. Trong đó, nhóm sản phẩm tăng trưởng mạnh nhất là mặt hàng thép phẳng mạ phủ với kim ngạch 6/2019 đạt khoảng 94 triệu USD Canada.
Theo Hiệp hội Thép, việc gia tăng xuất khẩu là do tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà cả Việt Nam và Canada là thành viên. Doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá cũng như không lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Canada.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Canada đã có những động thái điều chỉnh pháp luật để cho phép: áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế; sửa đổi luật thuế và hải quan Canada xóa bỏ quy định khoảng cách 2 năm giữa các lần áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung với cùng một sản phẩm tạo điều kiện cho việc áp dụng biện pháp PVTM thuận lợi hơn. Ngoài ra, Canada cũng đã có thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc tăng cường triển khai các biện pháp chống chuyển tải lẩn tránh cũng như hành vi phá giá, trợ cấp với sản phẩm thép nhập khẩu.
Do đó, Cục Phòng vệ thương mại đã khuyến nghị Hiệp hội Thép thông báo tới các doanh nghiệp xuất khẩu thép sang thị trường Canada.
Thứ nhất: Xem xét kế hoạch sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thép sang thị trường Canada, tránh tăng trưởng quá nóng làm tăng nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại (bao gồm cả chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp).
Thứ hai: Tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về xuất xứ hàng hóa, không tiếp tay cho các hành vi chuyển tải bất hợp pháp, gian lận thương mại gây tổn hại đến uy tín kim ngạch, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nếu vướng phải các vụ kiện.
Thứ ba: Thường xuyên liên lạc với Cục PVTM để cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến xuất khẩu để có phương án xử lý kịp thời khi vụ việc xảy ra.
Đáng nói, trong thời gian gần đây, vòng xoáy phòng vệ thương mại đang diễn ra căng thẳng trên toàn thế giới. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đã mở cửa và gia nhập vào hàng loạt các FTA thế hệ mới thì Việt Nam không thể tránh được các vụ kiện phòng vệ thương mại (ở cả hai chiều) nên để hạn chế những rủi ro cho doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng Việt Nam nên minh bạch về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, đồng thời doanh nghiệp nên chủ động trong việc tiếp cận các công cụ phòng vệ thương mại.
Nói như Tiến sĩ Phan Ngọc Tâm, Đại học Luật TP HCM, Giám đốc điều hành Công ty luật Tín & Tâm thì những biến động chính sách và những rủi ro kèm theo là hoàn toàn có thể dự báo và đánh giá trước. Rõ ràng là chúng ta không thể tránh được các rủi ro này, nhưng với sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng và sự thận trọng cần thiết, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu rủi ro và thiệt hại đến mức thấp nhất.
“Theo tôi, để đối phó với những rủi ro chính sách tương tự như cục diện mà ngành xuất khẩu thép đang đối mặt hiện nay, Việt Nam cần có giải pháp căn cơ và đồng bộ. Cụ thể, thứ nhất, công tác thông tin và cảnh báo phải thật sự được thực hiện một cách mạnh mẽ, xuyên suốt, chủ động và tích cực”, ông Tâm khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Đối diện với phòng vệ thương mại
11:02, 30/08/2019
Doanh nghiệp đối mặt với thách thức về phòng vệ thương mại
11:13, 28/08/2019
Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại
06:49, 06/07/2019
Về phía nhà nước, ông Tâm cho rằng nhà nước cần có những động thái tích cực và mạnh mẽ phù hợp với các cam kết quốc tế trước việc ban hành và áp dụng các chính sách thương mại 1 chiều của các quốc gia khác mà chúng có thể gây ảnh hưởng hay tác động tiêu cực đến doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, sự chuẩn bị, trang bị những kiến thức về các chính sách thương mại quốc tế là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Các doanh nghiệp cần có sự đầu tư đúng đắn trong việc tiếp cận tìm hiểu chính sách thương mại ở các thị trường liên quan, chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ cần thiết và kịp thời từ các chuyên gia, các nhà tư vấn, các luật sư… để giải quyết một cách hiệu quả nhất các vấn đề có thể phát sinh liên quan đến sự thay đổi hay biến động trong việc bán hành và thực thi các chính sách thương mại của các nước.