Dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi): Đề xuất phạt gấp 10 lần khoản thu phi pháp
Dư thảo Luật Chứng khoán sửa đổi hiện đang đề xuất phạt gấp 10 lần khoản thu phi pháp với các hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội bộ… với tổ chức và 5 lần đối với cá nhân.
Hiện tại, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã hoàn chỉnh và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (5/2019), dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 (10/2019).
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Tách riêng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước?
05:56, 03/04/2019
VCCI: Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi vẫn tập trung nhiều vào tiền kiểm
06:30, 30/11/2018
Có nên tăng thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước?
04:50, 04/09/2019
Liên quan đến xử phạt vi phạm trên thị trường chứng khoán, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi hiện đang đề xuất phạt gấp 10 lần khoản thu phi pháp với các hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội bộ… với tổ chức và 5 lần đối với cá nhân.
Đồng thời, mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3.000.000.000 đồng.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico nhận định, đặc thù của các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán là giá trị của các giao dịch khi bị phát hiện thường cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực kinh tế khác. Với chế tài xử phạt như dự thảo, đối tượng vi phạm vẫn sẵn sàng chịu phạt để đổi lại thu được mối lợi lớn.
Do đó, để chế tài tịch thu số tiền vi phạm của các đối tượng vi phạm vận hành hiệu quả, cần hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán, cũng như các văn bản hướng dẫn hai vấn đề lớn.
Đầu tiên, cùng với tăng chế tài xử phạt về hành chính, ông Hải nhấn mạnh cần tăng cường áp dụng các chế tài hình sự thông qua điều chỉnh lại cách xử phạt. Trong trường hợp vướng quy định về mức trần xử phạt vi phạm hành chính, lĩnh vực chứng khoán cần vượt qua rào cản này bằng cách đưa ra mức phạt khác.
Ði kèm với chế tài xử phạt mới được thiết kế theo hướng tăng nặng, Luật Chứng khoán sửa đổi cần có biện pháp khả thi, hiệu quả trong tính toán, xác minh, để làm cơ sở tịch thu toàn bộ những khoản thu lợi bất chính do vi phạm mà có.
“Chúng ta có thể căn cứ chính vào Luật Xử lý vi phạm hành chính để đưa ra việc xử phạt dựa trên giá trị sai phạm. Chỉ cần đưa ra mức phạt tiền dựa trên giá trị sai phạm, thì số tiền phạt sẽ lớn hơn nhiều việc phạt tiền trực tiếp cho hành vi. Ví dụ với mức phạt tiền trực tiếp cho hành vi vi phạm, trần giới hạn khoảng 2 tỷ đồng, nhưng nếu phạt gấp 5 lần giá trị sai phạm như 20 tỷ đồng chẳng hạn, thì số tiền phạt lên đến cả trăm tỷ đồng. Ðiều này vẫn bảo đảm đúng luật”, ông Hải phân tích.
Đồng thời, để các chế tài mới phát huy hiệu quả trên thực tế, theo ông Hải, giải pháp quan trọng nhất là cần tăng thẩm quyền cho UBCK trong xác minh các hành vi vi phạm, khắc phục tình trạng cơ quan này đang bị hạn chế vai trò. Theo đó, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cần đảm bảo cho cơ quan này chủ động hơn, tự quyết hơn trong truy xét đến cùng các vi phạm.