Thanh Hóa: Xưởng chế biến mủ cao su không phép gây ô nhiễm môi trường
Cơ sở chế biến cao su không phép gây ô nhiễm môi trường khiến nhiều hộ dân bức xúc, trong khi đó chính quyền xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) lại bao che.
Cơ sở không phép ngang nhiên hoạt động
Ông Nguyễn Văn H, người dân thôn 8, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá rất bức xúc cho biết: cơ sở sơ chế biến mủ cao su hoạt động đã mấy năm nay, mùi hôi thối khó chịu, khiến cho cuộc sống gia đình ông bị đảo lộn.
Cũng theo các hộ dân thôn 8, kể từ khi xưởng chế biến mủ cao su này đi vào hoạt động, làng quê yên bình bị bao phủ xung quanh mùi hôi thối, chuyện ăn uống, ngủ nghỉ sinh hoạt của người dân đều bị ảnh hưởng…các hộ gia đình xung quanh sợ bị bệnh nên khi nào hướng gió lớn mạnh thổi vào khu dân cư là đều phải dùng khẩu trang kể cả khi ở trong nhà.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm tới xưởng chế biến mủ cao su này. Hiện hữu trước mắt là một cơ sở chế biến được xây dựng tạm bợ, nằm ẩn mình, được bao kín bởi cây cối, nhà xưởng xây lên tạm bợ, với máy ép mủ cao su; hệ thống rãnh tiêu dẫn nước thải từ nhà xưởng dẫn ra một bể chứa lớn không có nắp đậy, nước thải cho ngấm xuống lòng đất...
"Cơ sở sơ chế mủ cao su này rất ít khi cho người lạ tiếp xúc, chỉ có khoảng 10 công nhân và xe chở người bán mủ cao su vào được khu vực bên trong. Không hiểu lý do vì sao cơ sở chế biến hoạt động không phép suốt một thời gian dài mà không một cơ quan chức năng nào xử lý? Cũng nhiều lần người dân thấy đoàn của xã, huyện về làm việc nhưng xong lại thấy cơ sở sản xuất bình thường", ông Nguyễn Văn H cho biết thêm.
Để tìm tìm hiểu rõ hơn về cơ sở chế biến mủ cao su này, phóng viên báo DĐDN đã trao đổi với ông Phạm Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: Đây là cơ sở chế biến mủ cao su của ông Bình, người địa phương, đã hoạt động mấy năm nay nhưng không thường xuyên sản xuất. Trước phản ánh của người dân, chính quyền xã đã nhiều lần kiểm tra, chủ xưởng cam kết chỉ làm nơi tập kết mủ cao su, nếu có cán ép mủ cũng không phơi hong khô. Chủ cơ sở sẽ có trách nhiệm xử lý nước thải không làm ảnh hưởng tới môi trường cũng như sinh hoạt cộng đồng…Chúng tôi cũng không nắm được hồ sơ, giấy tờ theo đúng quy định của pháp luật, chỉ chủ cơ sở mới có.
Chủ cơ sở là người thân Chủ tịch xã
Ông Phạm Văn M bức xúc cho biết thêm: nhà tôi sống gần cơ sở sản xuất nên ngay cả những ngày không sản xuất thì tại các bể chứa nước thải từ cán ép mủ cao su cũng đã có mùi thối nồng nặc, chứ huống gì là như ngày hôm nay, họ đang sản xuất bên trong. Cở sở này tồn tại bao năm qua dù người dân 2 xã Quảng Phú và Xuân Tín có kiến nghị lên nhiều lần nhưng chủ cơ sở chỗ anh Bình đây là người thân của Chủ tịch xã. Anh Bình là em trai ruột và em dâu của Chủ tịch xã nên cơ sở vẫn ngang nhiên hoạt động.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với ông Phạm Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, ông thừa nhận đó là người nhà của mình, nhưng không vì thế mà bao che hay ưu ái.
"Nếu như cơ sở dừng hoạt động thì bà con trồng cao su tại xã và các địa phương lân cận biết bán cho ai, đồng nghĩa với việc người dân sẽ phá bỏ cao su", anh Quyết cho biết thêm.
Trao đổi với ông Trịnh Ngọc Giang, cán bộ phụ trách phòng TNMT huyện Thọ Xuân cho biết: cơ sở sản xuất tại Quảng Phú trước đây khi có phản ảnh của người dân, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với xã Quảng Phú đi kiểm tra. Hiện nay, nếu như tình trạng như báo phản ảnh, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và nắm lại để có biện pháp xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Thiết nghĩ, một cơ sở sơ chế mủ cao su không phép nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường khiến nhân dân bức xúc, phẫn nộ kéo dài. Nhưng chính quyền địa phương xã, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ở đâu khi chưa có biện pháp xử lý dứt điểm để trả lại sự trong lành cho vùng quê Quảng Phú.