Doanh nghiệp vận tải bất bình với xe khách trá hình: Luẩn quẩn chuyện “cấm” hay “quản”
Không chỉ các doanh nghiệp vận tải bất an mà ngay cả các cơ quan chức năng cũng loay hoay với nạn xe khách trá hình.
Sau khi nhận được phản ánh từ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải về một số phương tiện xe hợp đồng 16 chỗ của Công ty Bình An hoạt động chạy trá hình xe tuyến cố định trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Ngày 27/9, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Nam Định đã có văn bản trả lời các doanh nghiệp kết quả xác minh.
Doanh nghiệp nói "có", Thanh tra bảo "không"
Theo đó, có 08 xe thuộc loại hình xe hợp đồng của HTX vận tải quốc tế Bắc Việt hoạt động thường xuyên tại khu vực huyện Nghĩa Hưng và 04 xe do Sở GTVT Hà Nội quản lý. Đây là số lượng phương tiện mà Công ty TNHH dịch vụ lữ hành Bình An ký hợp đồng với HTX vận tải quốc tế Bắc Việt thuê 12 xe vận tải để kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng. Các phương tiện có phù hiệu hợp đồng thuộc HTX vận tải quốc tế Bắc Việt do Sở GTVT Hà Nội cấp.
Trao đổi với PV Báo DĐDN, ông Nguyễn Hữu Cao – Chánh Thanh tra giao thông Sở GTVT Nam Định cho biết, chưa phát hiện trường hợp nào của nhà xe Bình An dừng, đỗ, bắt khách sai quy định. “Chúng tôi đã tiếp nhận đơn của các doanh nghiệp vận tải khách và đang tiến hành xác minh. Cái khó nhất của chúng tôi hiện nay là xử lý vi phạm vì nhiều hành vi không có trong chế tài xử phạt. Vì vậy chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra giám sát về hoạt động đối với doanh nghiệp này” – ông Cao nói.
Tuy nhiên, trong buổi làm việc chiều qua 08/10, các doanh nghiệp vận tải đã cung cấp cho phóng viên rất nhiều các bằng chứng (video, hình ảnh,…) về việc bắt khách dọc đường của nhà xe Bình An. Thậm chí, tại khu vực cửa hàng xăng dầu Hà Nam Ninh (huyện Trực Ninh) việc đón, trả khách thường xuyên diễn ra tại đây, vì đó là “bến” của nhà xe Bình An.
“Bến xe” này được HTX vận tải quốc tế Bắc Việt “mượn” địa chỉ nhà của 1 giáo viên trường Trung cấp GTVT Nam Định cạnh cửa hàng xăng dầu Hà Nam Ninh làm văn phòng đại diện. Các xe này cuối ngày làm việc sẽ về đỗ tại bãi đỗ của cửa hàng xăng dầu trên. Khi PV gọi điện đến tổng đài của nhà xe tại Hà Nội theo số điện thoại 0886.272727 và đặt 2 vé đi TP Nam Định, nhân viên tổng đài cho biết: “Xe em là vé đồng hạng anh về đến đâu cũng 120.000 đồng/ghế, sáng mai sẽ có lái xe gọi điện cho anh”.
"Cấm" - "quản" thế nào?
Nghị định 86/2014 của Chính phủ và Thông tư 63/2014 của Bộ GTVT ra đời, cho phép các xe hợp đồng dưới 10 chỗ không phải đăng ký danh sách hành khách và điểm đón, trả với Sở GTVT trước khi thực hiện hợp đồng. Theo đó hàng loạt xe 16 chỗ thông thường gắn biển xe hợp đồng là như “bùa hộ mệnh”, thoải mái đón trả khách như xe tuyến cố định, vào một giờ cố định, có tần suất xe chạy như xe khách thông thường. Sự nhập nhèm của các nhà xe và sự “lơ đãng” của cơ quan chức năng khiến các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định bị bóp nghẹt.
Ông Nguyễn Văn Thạc – Giám đốc Công ty CP vận tải Nam Trực, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Nam Định cho rằng nếu xe 16 chỗ chạy như thế là đúng (xe hợp đồng trá hình - PV) thì 45 nhà xe của tỉnh Nam Định sẽ bán hết các loại xe tuyến cố định như trước đây để chuyển sang mua xe 16 chỗ chạy “hợp đồng” như vậy.
Có thể bạn quan tâm
Bộ GTVT vào cuộc làm rõ tình trạng “xe dù, bến cóc” tuyến Hà Nội - Quảng Ninh
13:30, 05/09/2019
TP HCM: Ra quân kiểm tra, xử lý “xe dù bến cóc” dịp lễ 2/9
00:54, 27/08/2019
Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý kiến nghị về tình trạng "xe dù, bến cóc"
06:30, 03/08/2019
Không phủ nhận những “ưu việt” của xe hợp đồng trá hình trong chất lượng phục vụ (đón tận nhà, đưa tận nơi), thời gian di chuyển nhanh, giá vé thấp,…Tuy nhiên, đó là những cạnh tranh từ việc trốn thuế, cạnh tranh thiếu lành mạnh,…Ông Hoàng Văn Mão – HTX vận tải Quỹ Nhất (Nam Định) cho biết, cứ 1 xe chúng tôi xuất bến thì có 1 xe 16 chỗ chạy trước, vợt hết khách. Hiện HTX Quỹ Nhất chỉ còn 70 xe thay vì gần 100 xe trước đây do doanh thu sụt giảm, các nhà xe bị cạnh tranh thiếu lành mạnh dẫn đến nguy cơ phá sản. “Nếu doanh thu tiếp tục sụt giảm, chúng tôi sẽ bán xe để chuyển sang mô hình xe trá hình cạnh tranh với họ” – ông Mão chua chát.
Không phải không quản được xe trá hình. Ngày 26/9/2019, Sở GTVT Nam Định đã có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội đề nghị Sở GTVT Hà Nội kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải theo hợp đồng đối với HTX vận tải quốc tế Bắc Việt. Đồng thời, giao Thanh tra tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm đối với các phương tiện trên, đặc biệt chú ý hành vi vi phạm liên quan đến việc dừng, đỗ đón trả khách sai quy định và các sai phạm khác.
Mặt khác, các doanh nghiệp vận tải cho biết, tuyến Nghĩa Hưng – Hà Nội đoạn trên địa bàn Nam Định là độc đạo, nếu lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra thì không có gì là phức tạp cả, quan trọng là họ có xử lý hay không?