"Cho phép khiếu kiện kết quả kiểm toán là phù hợp với quy định của pháp luật"
Trao đổi với DĐDN bên lề Quốc hội, Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, cho phép đối tượng bị kiểm toán có quyền khiếu nại kết luận kiểm toán là bước tiến bộ.
Chiều ngày 25/10, Quốc hội sẽ nghe báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý cũng như sẽ thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.
Tổng kiểm toán Nhà nước sẽ giải quyết khiếu nại
Trao đổi với DĐDN bên lề Quốc hội, Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, cơ quan thẩm tra nhận thấy các Đại biểu quan tâm nhiều tới vấn đề khiếu nại kết quả, kết luận kiểm toán.
Theo đó, Đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, thực tiễn đặt ra trong quá trình thực hiện các cuộc kiểm toán, có những kết luận của Kiểm toán nhà nước thực hiện trên thực tế rất khó khăn, do người bị kiểm toán không đồng tình.
“Luật hiện nay trao cho cơ quan kiểm toán quyền “vượt trội” đó là kết luận của Kiểm toán Nhà nước có hiệu lực thi hành ngay, không bàn tán gì nữa. Thực tế như vậy sẽ đặt ra vấn đề người bị kiểm toán muốn thắc mắc, khiếu kiện thì khiếu kiện đi đâu? Do đó, phải đặt ra vấn đề sửa đổi làm sao bảo vệ, đảm bảo quyền và lợi ích của các thể nhân pháp nhân có liên quan kết luận kiểm toán”, Đại biểu Lê Thanh Vân cho biết.
Vì vậy, Dự luật lần này sửa đổi theo hướng đối tượng bị kiểm toán có quyền khiếu nại kết luận kiểm toán theo hướng Tổng kiểm toán là người giải quyết khiếu nại hay kiến nghị đối với kết luận kiểm toán.
“Điều này phù hợp với tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và tố tụng hình sự, đây là bước tiến bộ”, Đại biểu Lê Thanh Vân khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Không mở rộng đối tượng kiểm toán
17:00, 13/09/2019
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Kiểm toán nhà nước
15:01, 13/09/2019
Vẫn còn chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán
12:20, 12/08/2019
Giải thích rõ hơn về quy định này, ông Đặng Thế Vinh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, quy định khiếu nại, khởi kiện cho đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức có liên quan cho phép các đươn vị này được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán, về các kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán.
"Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước có quyền khởi kiện tại tòa án theo theo quy định của Luật tố tụng hành chính", Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết.
Có mở rộng đối tượng kiểm toán sang khu vực tư?
Đặc biệt, tại Dự thảo Luật trước đó, vấn đề mở rộng đối tượng kiểm toán cũng được đặc biệt quan tâm. Trao đổi về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân cho biết, trong quá trình soạn thảo và thẩm tra nhiều ý kiến không tán thành và kiểm toán đã tiếp thu.
Bởi theo Đại biểu, hoạt động kiểm toán là kiểm toán khu vực nhà nước, khu vực công, đề xuất thì mở rộng đối tượng kiểm toán sang khu vực tư.
“Cơ quan thẩm tra và cá nhân tôi thì đồng ý mở rộng đối tượng kiểm toán khi tài sản kiểm toán đó liên quan tài sản công. Ví dụ một doanh nghiệp tư nhân thi công công trình bằng vốn Nhà nước mà có liên quan tới kiểm toán về tài chính thì kiểm toán có quyền”, Đại biểu Lê Thanh Vân tỏ quan điểm.
Còn về hoạt động riêng của doanh nghiệp với tư cách là pháp nhân tư nhân không liên quan tới nguồn vốn nhà nước, Đại biểu khẳng định kiểm toán không thể vào tiến hành kiểm toán được. Hoạt động sai pháp luật của họ đã có các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng có thẩm quyền quản lý xử lý.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, khóa 14 (tháng 10/2019). Mục tiêu của Dự án Luật này là góp phần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước... nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý tài chính công, tài sản công, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.