Xử lý khủng hoảng "nước ăn nhiễm dầu" Kỳ II: Cần Luật riêng cho xã hội hóa dịch vụ công

Huyền Trang- thực hiện 27/10/2019 00:00

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên NHQuang và Cộng sư khẳng định: sự cố nước sạch sông Đà đã cho thấy khoảng trống rất lớn trong thể chế bảo vệ quyền, sức khỏe, an toàn, tính mạng của người dân. 

Khoảng trống này chính là khuôn khổ pháp lý về cung cấp dịch vụ công nói chung và cung cấp các dịch vụ thiết yếu về nước sạch nói riêng. Đây cũng là căn nguyên của vấn đề và chừng nào căn nguyên này chưa được giải quyết, thì các vụ việc tương tự sẽ tiếp tục xảy ra.

- Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực nước sạch hay trong các dịch vụ khác đều có điểm chung là được khuyến khích tư nhân hóa.

Cần trở lại nguyên lý căn bản rằng người dân đóng thuế để nuôi chính quyền và tạo nguồn tài chính để chính quyền cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho họ. Các dịch vụ này, bao gồm y tế, giáo dục, điện, nước, vệ sinh môi trường, xử lý chất thải... buộc phải được bảo đảm liên tục, ổn định mà không phụ thuộc vào sự điều tiết của thị trường.

Cái ở nước ta gọi là “xã hội hóa dịch vụ công” thực chất là cho, thậm chí khuyến khích tư nhân đầu tư trong lĩnh vực nước sạch hay trong các dịch vụ khác. Động thái chính sách này có thể chỉ đơn giản vì ngân sách không có tiền hay doanh nghiệp nhà nước quản lý kém hiệu quả hơn tư nhân. Tuy nhiên, nhiều hệ luỵ từ đó phát sinh mà sự cố nước bẩn sông Đà mới chỉ là khởi đầu.

Hiện nay chúng ta chưa có quy định về việc bảo vệ nguồn nước vì vậy đây là cơ hội để lấp khoảng trống pháp lý đó.

Hiện nay nhiều công ty cung cấp nước sạch trên cả nước là công ty tư nhân. Đã là tư nhân thông thường họ sẽ đặt bài toán lợi nhuận lên hàng đầu chứ không quan tâm đến các vấn đề cộng đồng như sức khỏe của người dùng. Mà câu trả lời vô cảm của Tổng giám đốc Cty nước sạch Sông Đà: “Tôi chỉ là Tổng giám đốc làm thuê” là ví dụ điển hình.

Thêm vào đó, khi trao quyền cho tư nhân tiến hành làm các dịch vụ công thì quan điểm của các nhà quản lý đều muốn tạo ra một thị trường cạnh tranh. Theo quan sát của tôi sự cạnh tranh ấy lại chỉ diễn ra khi các doanh nghiệp này đấu thầu để có được dự án, còn khi doanh nghiệp đã có dự án rồi thì mọi sự cạnh tranh đều dừng lại. Khi ấy, người dân không có sự lựa chọn, họ buộc phải sử dụng dịch vụ dù chất lượng không tốt. Điển hình cho những bất cập này trong thời gian qua chính là câu chuyện xảy ra tại các trạm thu phí BOT và những bất cập liên quan đến quá trình cổ phần hóa DNNN.

Có thể bạn quan tâm

  • TS Nguyễn Sĩ Dũng: Cần nâng cao "năng lực mặc cả" của Nhà nước sau sự cố nước Sông Đà

    14:04, 22/10/2019

  • Xã hội hoá dịch vụ công nhìn từ câu chuyện... nước Sông Đà

    05:00, 22/10/2019

  • Xử lý khủng hoảng “nước nhiễm dầu”

    12:00, 24/10/2019

  • Sự cố nước nhiễm dầu thải "cuốn trôi" hơn 127 tỷ đồng vốn hóa Nước sạch Sông Đà

    11:28, 17/10/2019

  • Đạo đức kinh doanh và lời xin lỗi "không sạch" của Viwasupco

    03:03, 26/10/2019

Nhưng nghiêm trọng hơn là ở chỗ nếu về đường bộ thì dù sao người dân còn có cách xoay sở, và người giàu sẽ không ngại chi trả. Trong khi đối với sử dụng nước sạch ở đô thị như Hà Nội thì bất kể ai, nếu dịch vụ nước bị cắt hay không bảo đảm chất lượng thì vẫn phải dùng. Có nghĩa là chính sách “xã hội hoá” trong các dự án nước sạch đã biến thành độc quyền tư nhân trong cung cấp dịch vụ công.

- Như ông nói, quá trình xã hội hóa dịch vụ công gắn liền với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, liệu điều này có làm ảnh hưởng tới chủ trương cổ phần hóa không, thưa ông?

Chúng ta đang nhầm lẫn giữa chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thông thường với tư nhân hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ công. Sau sự cố môi trường vừa rồi, việc này cần phải được thức tỉnh và khắc phục ngay.

Lĩnh vực cung cấp nước sạch thu về siêu lợi nhuận và lợi nhuận có tính bền vững bởi đây là lĩnh vực thiết yếu và người dân không có quyền lựa chọn dịch vụ. Khi nhà nước tiến hành xã hội hóa dịch vụ công thông qua việc bán cổ phần thì đồng nghĩa với việc bán luôn thương quyền. Tôi không rõ và cũng không có bằng chứng xác thực về việc nhà nước bán thương quyền thì có thu lại tiền không nhưng dù nhà nước có thu tiền đi chăng nữa thì anh cũng không thể bán trách nhiệm đi được.

- Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang được Quốc hội xem xét, nhưng Luật này hướng tới đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư. Vậy làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của người dân khi nhà nước xã hội hóa dịch vụ công, thưa ông?

Thật ra, chúng ta có Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo vệ quyền của người dân trong những việc cụ thể này. Nhưng đáng tiếc những đạo Luật như thế này lại chỉ có những quy phạm như Hiến pháp chứ không có giá trị cụ thể. Do đó, cần cụ thể hóa những Luật này.

Ở vụ việc ô nhiễm nguồn nước Sông Đà chúng ta có thể xử lý hình sự một số cá nhân, nhưng lại không thể cứu được hàng triệu người và nếu không khắc phục được thì những vụ việc tương tự như nước Sông Đà nhiễm dầu có thể vấn tiếp diễn.

- Vậy, theo ông, chúng ta cần chế tài gì?

Tôi cho rằng, thứ mà chúng ta cần chính là một đạo Luật chuyên biệt về cung cấp dịch vụ công, một đạo Luật điều chỉnh việc bảo vệ quyền của người dân chứ không phải là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư như Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

- Nhưng, con đường để một sáng kiến lập pháp trở thành một Đạo luật rồi được áp vào cuộc sống lại là một hành trình mất nhiều thời gian. Vậy với các sự cố như thế này, theo ông đâu là giải pháp tình thế và lâu dài?

Nhiều ý kiến cho rằng người dân có quyền khởi kiện. Câu hỏi là khởi kiện ai đây khi vấn đề trách nhiệm pháp lý còn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, cản trở về pháp lý lớn nhất hiện nay là làm sao để trăm ngàn hộ dân là nạn nhân có thể cùng lúc khởi kiện, trong khi cơ chế “khởi kiện tập thể” vẫn chưa được pháp luật quy định.
Dù sao, nếu người dân có nguyện vọng khởi kiện thì tôi cho rằng vẫn là điều cần thiết bởi chỉ khi đó, các vấn đề pháp lý có liên quan mới bộc lộ hết. Riêng đối với chính quyền thành phố Hà Nội, để hỗ trợ những người dân bị thiệt hại, thành phố nên tạm ứng ngân sách để chi trả, đền bù cho họ, và các khoản này sẽ được các “thủ phạm” bồi hoàn sau.

Đặc biệt, để khắc phục tình trạng này, Việt Nam cần xây dựng một Đạo Luật chuyên biệt cho xã hội hóa dịch vụ công, một lĩnh vực đặc thù và nhạy cảm.

- Xin cảm ơn ông!

Huyền Trang- thực hiện