Hàng nước ngoài “đội lốt” hàng Việt: Kinh tế “mở” hay kinh tế “hở”?
Đại biểu Quốc hội chất vấn về tình trạng hàng nước ngoài "đội lốt" hàng Việt do lỗ hổng về pháp luật và sự thiếu hiệu quả của hàng rào kỹ thuật.
Đề cập tới bất cập của lô nhôm tại Kho ngoại quan tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) nêu ý kiến, hai công ty tại Hồng Kông gửi một lượng lớn nhôm vào kho ngoại quan tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, sau đó Công ty nhôm toàn cầu Việt Nam làm thủ tục chuyển quyền sở hữu lô nhôm trên là đúng pháp luật.
Vướng mắc hiện nay là không có quy định thời gian hàng hoá gửi tại kho ngoại quan và hàng nhập khẩu vào khu chế xuất không phải chịu thuế theo cách này thì hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam sau một thời gian bằng nhiều cách một số doanh nghiệp sẽ mập mờ chuyển hoá thành hàng hoá Việt Nam.
“Vậy Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính đề ra các giải pháp khắc phục tồn tại nêu trên nếu doanh nghiệp có động tác tìm cách gian lận xuất xứ nhằm ngăn chặn có hiệu quả những vụ việc tương tự?”, Đại biểu chất vấn.
Trả lời chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận hiện nay có các doanh nghiệp đang lợi dụng Việt Nam và xuất xứ Việt Nam đề xuất khẩu đi các nước khác, gây ra thiệt hại cho nước ta…
Theo Bộ trưởng, trên thực tế chúng ta đang hội nhập rất sâu rộng với thế giới thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do. Theo đó, Việt Nam đã có các ưu đãi về thuế quan trong việc xuất khẩu hàng hoá ra các nước đối tác, tạo lợi thế trong thâm nhập thị trường so với các quốc gia khác.
Hàng loạt các quốc gia đã ký kết FTA với Việt Nam cho đến các FTA sắp tới có hiệu lực sẽ mang lại những cơ hội cho trong tăng trưởng xuất khẩu cũng như năng lực cạnh tranh cho sản phẩm sang các nước này.
“Tuy nhiên, cùng với những ưu đãi thuế quan và những điều kiện khác trong tiếp cận thị trường, xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các sản phẩm “đội lốt” xuất xứ hàng hoá của Việt Nam để tranh thủ các ưu đãi về thuế quan”, Bộ trưởng nói.
Nhắc tới trường hợp gần đây nhất là trường hợp doanh nghiệp sản xuất nhôm định hình lợi dụng xuất xứ để xuất khẩu đi nước khác, Bộ trưởng cho biết ngay từ thời điểm đó, thông qua những thông tin có được, Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Chính phủ và tổ chức những đoàn đi kiểm tra trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp này và đã có những báo cáo cụ thể trong lĩnh vực này.
Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể, giao Tổng cục Hải quan tiếp tục giám sát chặt chẽ, không cho phép lợi dụng xuất xứ Việt Nam khi tham gia thương mại thế giới.
Bên cạnh sản phẩm nhôm này cũng có một số sản phẩm khác có hiện tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam như thiết bị điện tử, máy tính, dệt may, da giày, gỗ dán, sản phẩm gỗ...
"Những sản xuất này có dấu hiệu gian lận thương mại, truyền tải bất hợp pháp, lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, EU đã được phát hiện. Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp với các bộ ngành để xử lý vấn đề này", Bộ trưởng cho biết.
Có thể bạn quan tâm
ĐBQH thắc mắc về “đường lưỡi bò”
17:06, 06/11/2019
Nhôm Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt: Doanh nghiệp Việt tự "bóp chết" mình
08:28, 05/11/2019
Kho nhôm 4,3 tỷ USD “đội lốt” hàng Việt: Tổng cục Hải quan giám sát chặt chẽ bằng camera
14:05, 04/11/2019
Từ vụ gian lận xuất xứ nhôm quy mô 4,3 tỉ USD: Hàng Việt hẹp cửa vào Mỹ
04:50, 04/11/2019
Đặc biệt, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý xuất khẩu hàng hóa, sử dụng xuất xứ hàng hóa đã phối hợp chặt chẽ chống lại hành vi này. Vừa qua, Chính phủ đã có đề án ngăn ngừa gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa, trong đó đề ra 5 nhóm nhiệm vụ chính đã được giao cho các cơ quan chức năng. Bộ trưởng khẳng định, hiện nay có thể nói, chúng ta không chậm trễ, gây tổn hại ảnh hưởng đến quan hệ với đối tác.
Trên thực tế, Bộ Công Thương đã có sự chủ động phối hợp và báo cáo với Chính phủ. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành để cùng phối hợp quản lý và xử lý những vấn đề này đặc biệt là Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, cơ quan chịu trách nhiệm trong quản lý về hoạt động xuất khẩu hàng hoá.
Mới đây, nhất Thủ tướng Chính phủ đã thông qua quyết định 824 phê duyệt Đề án về phòng vệ thương mại, đặc biệt tập trung đấu tranh những hành động gian lận thương mại và gian lận thương mại nói chung.
Tham gia tranh luận, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nêu lại vấn đề về để tình trạng hàng Trung Quốc tìm cách đội lốt hàng Việt. Theo Đại biểu, tình trạng này xảy ra là do lỗ hổng lớn về pháp luật và sự thiếu hiệu quả của hàng rào kỹ thuật.
"Kinh tế nước ta là kinh tế mở hay là kinh tế hở" - Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh chất vấn, đồng thời cho biết doanh nghiệp Việt Nam "chết" ngay trên sân nhà là điều đang diễn ra và cần có giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hàng hoá của họ trong giai đoạn hiện nay.