Sửa đổi Luật Đầu tư: "Sửa một lần nhưng đảm bảo đồng bộ với các Luật"

Thy Hằng 15/11/2019 10:30

Đại biểu Bùi Thanh Tùng đề nghị, không sửa đổi Luật Đầu tư theo cách sửa đổi những vấn đề cụ thể, mà phải nhìn dưới góc độ tổng thể, sửa một lần nhưng phải đảm bảo đồng bộ với các luật khác.

Sáng 15/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). 

Sáng nay (15/11), Quốc hội sẽ thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). 

Trao đổi với DĐDN bên lề Quốc hội, Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) thừa nhận, có những tồn tại liên quan chồng chéo các quy định về đầu tư. Bản thân việc sửa đổi Luật Đầu tư lần này cũng không chỉ là vấn đề của Luật Đầu tư mà liên quan tới nhiều luật khác như Luật Môi trường, Luật Đất Đai, Luật Quản lý tài sản… hay cả Luật Lao động (sửa đổi). 

Trên thực tế tình trạng chồng chéo trong pháp luật về đầu tư đã được nhắc tới từ lâu. Ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KK&ĐT) cho biết, các luật Đầu tư công, Đất đai, Xây dựng, Nhà ở... cùng điều chỉnh hoạt động đầu tư, với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chưa có sự phân định rõ về phạm vi điều chỉnh giữa các luật.

Tình trạng này dẫn đến khó khăn trong việc phân định hoạt động đầu tư được điều chỉnh theo Luật Đầu tư và hoạt động đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật khác.

Đơn cử, Luật Đầu tư chỉ quy định đánh giá sơ bộ tác động môi trường, không yêu cầu hồ sơ dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng Luật Bảo vệ môi trường lại quy định báo cáo tác động môi trường là căn cứ để quyết định chủ trương đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, còn nhiều chồng chéo, thiếu rõ ràng trong pháp luật về đầu tư kinh doanh.

“Có rất nhiều xung đột pháp luật, đặc biệt nếu đi đến các địa phương sẽ gặp rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đất đai, xây dựng, bất động sản gặp những vấn đề rất phức tạp”, ông Tuấn nói và đưa ra nhiều ví dụ về xung đột về các bộ luật, thông tư như Luật Đầu tư tại Điều 33 quy định các tài liệu trong hồ sơ dự án đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và không có quy định về việc các văn bản pháp luật khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ này…

“Việc chồng chéo luật dẫn đến nhiều hệ quả, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, đi lại mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ và chi phí giao dịch tốn kém. Việc tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra thậm chí gây đình trệ hoạt động và rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật…”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Tranh cãi số phận Luật Đầu tư

    04:50, 14/11/2019

  • Sẽ sửa Luật Đầu tư, Luật Điện lực "mở đường" cho tư nhân làm truyền tải điện?

    18:24, 06/11/2019

  • Tranh cãi số phận Luật Đầu tư

    04:51, 03/11/2019

  • Dự thảo Luật Đầu tư cần tư duy khác

    08:31, 02/11/2019

  • Nhiều điều khoản cần sửa đổi hoặc viết lại trong dự thảo Luật Đầu tư

    17:17, 31/10/2019

Trước thực tế đó, kiến nghị cụ thể cho việc sửa đổi Luật Đầu tư đang được Quốc hội bàn thảo, Đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng, sửa Luật Đầu tư lần này phải nhìn trong tổng thể đối với các luật khác mà hiện nay đang quy định với nhiều đối tượng khác nhau mà có gắn với nhà đầu tư.

“Cho nên việc sửa đổi lần này cần rà soát kỹ, không sửa đổi theo cách sửa đổi những vấn đề cụ thể hay cần tháo gỡ ngay trước mắt, mà phải nhìn dưới góc độ tổng thể, tức sửa đổi theo hướng sửa một lần nhưng phải đảm bảo đồng bộ với các luật khác, kể cả Luật Doanh nghiệp mà chúng ta đang bàn thảo”, Đại biểu Bùi Thanh Tùng kiến nghị.

Thậm chí, theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, cần rà soát, đánh giá toàn diện vấn đề. Phối hợp và thống nhất làm việc giữa các ban soạn thảo các luật: Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ Môi trường, PPP... Dùng một luật sửa nhiều luật. Đồng thời, cần có thiết chế, cơ quan độc lập giúp Chính phủ rà soát, “gác cổng”. Việc soạn luật cần chuyên nghiệp và độc lập, tách xây dựng pháp luật ra khỏi cơ quan cấp phép. 

Thy Hằng