Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi): Nhiều ý kiến về cấm hay quản dịch vụ đòi nợ thuê

Thy Hằng 20/11/2019 12:02

Thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), nhiều ý kiến góp ý tới vấn đề các lĩnh vực, ngành nghề cấm kinh doanh, trong đó, nhiều đại biểu đề nghị không nên đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào mục này.

Theo đó, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng đây là hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khách hàng.

Sáng ngày 20/11,

Sáng ngày 20/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Không thể không quản được thì cấm

“Quy định như dự thảo luật liệu có ngăn chặn được hàng loạt công ty tài chính mọc lên như nấm, thực chất là cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê?”, Đại biểu Thơ đặt vấn đề và cho rằng cốt lõi là cơ quan chức năng địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ chứ không phải “không quản được thì cấm”.

Đồng quan điểm, Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, không nên cấm hoạt động này. “Trên thực tế, có rất nhiều tổ chức, cá nhân buộc phải vay nợ và không trả được nợ đúng hạn do gặp rủi ro, nhưng cũng có không ít tổ chức, cá nhân vay nợ mà không muốn trả, nên cần phải có tổ chức trung gian đứng ra dàn xếp giữa chủ nợ và khách nợ”, Đại biểu cho biết.

Đồng thời, theo Đại biểu Bình Dương, vấn đề là phải quản chặt, trước mắt là nâng điều kiện với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, ngoài các quy định cấm đòi nợ bằng hành vi lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực; thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ…

Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng kinh doanh dịch bụ đòi nợ nên được chuyển thành “nghiệp vụ thu nợ” mà các đơn vị cấp phép sẽ được hoạt động. Cùng với đó tăng cường giám sát.

“Đề nghị hình thức thu hồi nợ không thông qua phán xét của toà xác định có nợ, đơn vị có nghiệp vụ thu hồi nợ sẽ chiết xuất từ tài khoản để thu hồi. Với những khoản nợ dưới hình thức cho vay nặng lãi khi ra toà cũng là vô nghĩa”, Đại biểu kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

    11:30, 18/11/2019

  • Cấm dịch vụ đòi nợ: Không ổn vì đây là nhu cầu có thật!

    12:42, 21/10/2019

  • Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Không ngăn chặn được các hành vi bạo lực, tội phạm

    11:05, 21/10/2019

  • Cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”: Tại sao đang cho lại chuyển sang cấm?

    14:04, 16/10/2019

Còn nhiều luồng ý kiến

Trong khi đó, Đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận lại cho rằng, gần đây, đối tượng đòi nợ thuê có hành vi nguy hiểm, phức tạp hơn mà nhiều người không ngờ tới. Ví dụ con nợ là giáo viên thì đối tượng đòi nợ gọi điện đe doạ cả ban giám hiệu nhà trường, hàng xóm của con nợ bỗng nhiên bị gọi điện khủng bố vào giữa đêm, ném chất bẩn vào nhà… nhằm gây áp lực với người thân, bạn bè, đồng nghiệp của con nợ để cùng gây áp lực, buộc con nợ phải trả nợ.

“Những hành vi này gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng rất xấu tới an ninh, trật tự địa phương nhưng lực lượng Công an rất khó xác định và xử lý đối tượng”, Đại biểu Phạm Huyền Ngọc nói và chỉ ra rằng, quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng do thiếu quy định chặt chẽ nên dịch vụ đòi nợ đang là một trong những nguyên nhân phát sinh tín dụng đen.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng,

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là loại hình kinh doanh phức tạp.

Dẫn chứng vụ Quân “xa lộ”, hay mới nhất là vụ việc tại Gia Lai, do chồng vay nợ tín dụng đen liên tục bị đòi nợ, vợ đã dùng búa đánh chết chồng… Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận khẳng định, không phải “quản không được thì cấm” mà nên cấm vì dịch vụ này gây nhiều hệ lụy xã hội.

“Nếu Luật Đầu tư sửa đổi lần này đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế được hoạt động tín dụng đen vì việc đòi nợ thuê đã bị cấm, mọi hành vi đòi nợ thuê đều vi phạm pháp luật và bị xử lý”, Đại tá Phạm Huyền Ngọc nhấn mạnh.

Cùng bày tỏ ủng hộ đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ ra thực trạng các giấy tờ cho vay nếu mang ra toà sẽ vô hiệu bởi vi phạm nguyên tắc tự nguyện, vi phạm cho vay nặng lãi nên đã tìm tới dịch vụ đòi nợ, dẫn đến nhiều hệ lụy sau đó. 

Cho rằng tồn tại này là "không thể chấp nhận", Đại biểu Nghĩa cho rằng bên cạnh việc cấm dịch vụ đòi nợ thì để giải quyết loại tranh chấp này, cần tăng cường hệ thống hoà giải cơ sở, các hình thức hoà giải khác nhau trong đó có Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án đang trình Quốc hội xem xét.

Cho ý kiến về hoạt động kinh doanh này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, có hai luồng ý kiến khác nhau về loại hình này, đều có cơ sở khác nhau. 

“Đây là vấn đề phức tạp, trên thực tế hoạt động này đa số nằm ở các quan hệ dân sự của hình thức vay nóng, “tín dụng đen” không đưa ra các cơ quan tư pháp. Do đó, thực tế biến tướng trên thực tế đã rất phức tạp, nên đưa vào để cấm. Tuy nhiên căn cứ ý kiến của các Đại biểu sẽ có báo cáo lại với Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Thy Hằng