Nhiều khó khăn trong tích tụ ruộng đất
Hoàng thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Đất đai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, quá trình tập trung, tích tụ đất đai còn nhiều khó khăn.
Sáng nay (25/11) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp các dự thảo nghị định về đất đai”.
Quy mô đất còn nhỏ hẹp
Bà Hoàng Thị Vân Anh - Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2014. Để quy định chi tiết một số điều được giao trong Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản được Luật giao quy định chi tiết để có hiệu lực cùng với thời điểm của Luật Đất đai. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi hành, góp phần đưa Luật Đất đai vào cuộc sống.
Tuy nhiên, theo bà Vân Anh hiện vẫn còn một số vướng mắc, bất cập trong việc tiếp cận đất đai thông qua hình thức thỏa thuận thuê, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; trong xử lý đất đai đối với các trường hợp chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; trong việc giao, cho thuê các thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định; trong đăng ký, cấp Giấy chứng nhận và trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
“Trên thực tế, quá trình tích tụ đất đai còn khó khăn, quy mô đất còn nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu quy mô lớn có tới 36% hộ có quy mô đất đai dưới 2km”, bà Vân Anh nói.
Bên cạnh đó, theo bà Vân Anh cũng cho biết có những trường hợp doanh nghiệp không chỉ vướng chính sách mà còn vướng thi hành trên thực tế.
Bên cạnh đó, việc Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch, cũng cần thiết phải rà soát lại các quy định tại các nghị định quy định về việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Trước những khó khăn trên, bà Vân Anh khẳng định việc ban hành 2 Nghị định nêu trên là cần thiết, tạo điều kiện thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.
Hỗ trợ kinh phí để thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp
Về phạm vi điều chỉnh: Phạm vi của Nghị định quy định cụ thể cơ chế, chính sách về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp mà Luật Đất đai đã có quy định. Đồng thời, Nghị định còn quy định một số cơ chế, chính sách chưa được Luật Đất đai quy định như (cấp xã làm đầu mối thực hiện việc thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận ủy quyền của người sử dụng đất để tạo lập quỹ đất nông nghiệp...).
“Nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sẽ giải quyết những "điểm nghẽn", vấn đề vướng mắc từ thực tiễn để thúc đẩy nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế”, bà Vân Anh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Tiếp tục rà soát, đánh giá những bất cập liên quan đến tích tụ đất đai
01:37, 15/08/2018
Gỡ rào cản để tích tụ đất đai
05:30, 30/12/2017
Tích tụ đất đai trong lâm nghiệp: Kỳ V - DN nên mạnh dạn vào cuộc
10:55, 11/03/2017
Cũng theo Dự thảo, hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua mức kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, bao gồm: Kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; kinh phí cho việc tổ chức thu thập và cung cấp thông tin liên quan đến việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; kinh phí cho công tác dồn diền, đổi thửa; đo đạc, cắm mốc ranh giới, chỉnh lý biến động, lập hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận sau dồn điền, đổi thửa; đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất sau khi tập trung đất nông nghiệp khi có quy hoạch, điều chỉnh, sắp xếp đất đai; xác định ranh giới các thửa đất khi hoàn trả lại mặt bằng cho người sử dụng đất; kinh phí thuê tư vấn xác định giá đất để làm căn cứ tham khảo trong việc thỏa thuận thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Nhà đầu tư không thuộc trường hợp được hưởng hỗ trợ tập trung đất đai theo quy định của Chính phủ về cơ chế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì được hỗ trợ kinh phí theo quy định: 1- Trường hợp Hợp tác xã thuê đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí 20% giá trị tiền thuê đất cho 5 năm đầu tiên kể từ khi đi vào hoạt động sản xuất; 2- Trường hợp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu hoặc thực hiện tập trung đất đai thông qua hình thức liên kết, hợp tác thì được Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu với mức 50 triệu đồng/ha nhưng không được quá 10 tỷ đồng/dự án hoặc phương án sản xuất; 3- Hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất nông nghiệp thông qua hình thức thuê đất tại khu vực nông thôn để tổ chức sản xuất nông nghiệp thì được Nhà nước hỗ trợ bằng tổng các hỗ trợ quy định (1), (2) nêu trên.