Dự Luật Giám định tư pháp (sửa đổi): Tranh cãi bổ sung phòng giám định tư pháp thuộc VKSND Tối cao

Thy Hằng 25/11/2019 09:25

Trong khi nhiều ý kiến cho biết tán thành việc thành lập phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao thì cũng có những ý kiến cho rằng sẽ vi phạm nguyên tắc tổ chức bộ máy.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) đồng thuận với quy định tại dự thảo, phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh.

Đại biểu Ma Thị Thuý Tuyên Quang ủng hộ

Đại biểu Ma Thị Thuý Tuyên Quang ủng hộ quy định VKSND Tối cao sẽ có phòng giám định tư pháp.

VKSND Tối cao sẽ có phòng giám định tư pháp?

Đại biểu đoàn Tuyên Quang cho rằng, quy định này sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh.

Cùng quan điểm, Đại biểu Dương Ngọc Hải (TP. HCM) nhận định yêu cầu giám định ngày càng gia tăng lớn về số lượng, đặc biệt là giám định về âm thanh, hình ảnh ngày càng nhiều. Trong khi phải trưng cầu ý kiến của cơ quan giám định Bộ Công an gây ra kéo dài thời gian. 

Đặc biệt, Đại biểu cho biết từ ngày 1/1/2020, các cơ quan tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc.

Đại biểu Dương Ngọc Hải cho rằng bổ sung phòng giám định tư pháp cho VKSND Tối cao sẽ

Đại biểu Dương Ngọc Hải cho rằng bổ sung phòng giám định tư pháp cho VKSND Tối cao sẽ giải quyết nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh ngày càng cao.

“Do đó, thống nhất với quy định thành lập phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh”, Đại biểu Dương Ngọc Hải cho ý kiến.

Trong khi đó, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đặt vấn đề đưa quy định này có là phù hợp khi hầu hết các nước quy định hoạt động giám định tư pháp thuộc Bộ Công an?

Đại biểu cũng đề nghị có hay không tình trạng quá tải hoạt động giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự? Nếu có thì quá tải nguyên nhân do cơ quan thực hiện hay do Luật? "Đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá báo cáo, tính hiệu quả hoạt động của cơ quan này? Nếu thành lập sẽ phát sinh bao nhiêu tiền của, nhân lực..", Đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đặt ra hàng loạt vấn đề cần giải trình làm rõ nếu bổ sung phòng giám định tư pháp cho VKSND Tối cao.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đặt ra hàng loạt vấn đề cần giải trình làm rõ nếu bổ sung phòng giám định tư pháp cho VKSND Tối cao.

Thậm chí, có ý kiến Đại biểu còn cho rằng, việc bổ sung phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao sẽ làm mất đi nguyên tắc của tổ chức bộ máy. Nếu cứ vì khó khăn mà "cơi nới" thẩm quyền sẽ không ổn về nguyên tắc tổ chức bộ máy.

Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho biết có hai loại ý kiến về vấn đề này. Ý kiến tán thành, bởi từ trước tới nay chỉ có một đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định loại việc nói trên dẫn đến quá tải. 

“Nhưng cũng có ý kiến cho rằng vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ, chưa nên đưa vào nội dung sửa đổi. Vì nó hoàn toàn mới, chưa được đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành luật, hồ sơ dự án luật chưa báo cáo, đánh giá đầy đủ. Cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Công an, việc giám định loại việc nói trên của tổ chức giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Công an không có vướng mắc lớn”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Kỳ án “buôn lậu” gỗ trắc: Căn cứ kết luận giám định "không hợp pháp" để buộc tội?

    14:05, 16/08/2019

  • Kiện toàn Tổ Thư ký giúp việc Ban chỉ đạo tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp

    19:36, 31/07/2019

  • Kiện toàn BCĐ đổi mới và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp cấp Trung ương

    18:21, 09/07/2019

  • Định giá tài sản, giám định thiệt hại trong trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

    19:59, 19/05/2018

Ưu đãi cho tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập

Đặc biệt, cho ý kiến về tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, Đại biểu Ma Thị Thuý cho biết, đã có quy định về những chính sách ưu đãi cho các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, nhưng hiện Chính phủ chưa có ưu đãi cụ thể nào với các tổ chức này.

“Thống kê cho thấy hiện mới chỉ có một văn phòng giám định tư pháp tư nhân tại TP HCM. Tuy nhiên báo cáo của cơ quan tư pháp cho thấy, hiện văn phòng này hoạt động cầm chừng”, Đại biểu Ma Thị Thuý cho biết.

Trong khi đó, Đại biểu chỉ ra rằng có nhiều quốc gia đã thực hiện có hiệu quả việc xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp.

Riêng TP Bắc Kinh (Trung Quốc) đã có đến 274 văn phòng giám định tư pháp tư nhân hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giám định ngoài tố tụng của xã hội. Ở Anh, từ 10 – 12 năm trước Chính phủ Anh cũng tiến hành xã hội hoá, cổ phần hoá lĩnh vực này, nhờ đó, nâng cao năng lực giám định. Vì vậy, đề nghị tổng kết giám định tư pháp ngoài công lập và bổ sung các ưu đãi về thủ tục thành lập, ưu đãi thuế, ưu đãi đất đai cho các văn phòng giám dịnh tư pháp ngoài công lập để thúc đẩy phát triển các tổ chức này”, Đại biểu đoàn Tuyên Quang kiến nghị.

Thy Hằng