Dự thảo Nghị định về tích tụ ruộng đất: “Đánh đố” doanh nghiệp

Huyền Trang 28/11/2019 04:50

Nhiều chuyên gia khẳng định dự thảo nghị định về tích tụ ruộng đất cho thấy quá nhiều rủi ro với doanh nghiệp, không đảm bảo quyền của doanh nghiệp, nhất là vấn đề cốt lõi là bảo đảm quyền về tài sản.

Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp.

Dự thảo Nghị định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến.

Dự thảo Nghị định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến.

Không công bằng với nhà đầu tư và doanh nghiệp

Theo quy định tại Dự thảo với trường hợp nhà đầu tư nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người dân thì phải bảo đảm tỷ lệ góp vốn của người sử dụng đất.

Quy định này đồng nghĩa với việc khi doanh nghiệp tăng vốn lên bao nhiêu thì tỷ lệ góp vốn của người dân cũng không thay đổi. Và nhất là nếu doanh nghiệp, dự án có giải thể, phá sản thì cũng không đưa đất góp của người dân vào diện phải xử lý.

Đây được xem như là quy định để bảo vệ quyền lợi của người nông dân khi quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra. Tuy nhiên, khi bình luận về quy định này, ông Ngô Gia Cường, Giám đốc Công ty TNHH thẩm định giá và giám định Việt Nam cho rằng các quy định này không công bằng với nhà đầu tư, doanh nghiệp.

“Quy định này sẽ đảm bảo quyền lợi cho người nông dân nhưng nếu tăng vốn mà phải đảm bảo giữ tỷ lệ vốn góp của nông dân thì sao doanh nghiệp có thể tăng vốn được. Bên cạnh đó, nếu chẳng may doanh nghiệp phá sản, thua lỗ thì người nông dân cũng phải có nghĩa vụ, bởi làm ăn thì phải chấp nhận rủi ro chứ không thể chỉ hòa hoặc phát”, ông Cường nói.

Bà Trần Kim Liên, Tổng giám đốc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam khẳng định nếu Nghị định được ban hành thì nhiều nội dung không đúng nguyên tắc thị trường cũng như quy định khác.

Theo bà Liên các doanh nghiệp lớn đã thí điểm tích tụ ruộng đất rất mong chờ hành lang pháp lý để điều chỉnh, nhưng với tinh thần dự thảo này thì các doanh nghiệp đã làm sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.

“Như với quy định 5% chuyển đổi cho xây dựng cơ sở hạ tầng, trong nông nghiệp công nghệ cao, hệ thống tưới tiêu, đường, nhà xưởng rất quan trọng, mà tỷ lệ này với các dự án của chúng tôi lên tới 15% diện tích đất. Nếu quy định 5% thì e quá ít. Chưa kể, chúng tôi sẽ đối mặt với nguy cơ bị xử phạt bất cứ lúc nào”, bà Liên lo ngại.

Cần cơ chế đồng thuận của người dân

Bà Trần Thị Thanh Nhàn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, thị trường chuyển quyền sử dụng đất qua hình thức góp vốn hiện không phổ biến. Chỉ có góp vốn bằng đất để trở thành chủ sở hữu doanh nghiệp, một số hợp tác xã có góp vốn bằng đất nhưng thực tế chỉ liên kết đầu vào - đầu ra.

Với thị trường cho thuê quyền sử dụng đất, cụ thể là doanh nghiệp thuê đất khó đạt đồng thuận của số lượng lớn hộ dân, chỉ cần vài hộ không đồng ý cũng dừng lại dự án.

Do đó, bà Nhàn cho rằng Nhà nước cần có cơ chế đồng thuận khoảng 80% hộ dân và được UBND tỉnh phê duyệt dự án thì buộc hộ thỏa thuận, có chính sách tạo việc làm, chuyển đổi cho nông dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều khó khăn trong tích tụ ruộng đất

    09:20, 25/11/2019

  • Gỡ “rào cản” tích tụ ruộng đất

    14:00, 04/11/2019

  • “Mở đường” cho tích tụ ruộng đất

    11:00, 29/10/2019

Hay việc đất đi thuê không thể thế chấp vay tín dụng, bà Trần Thị Thanh Nhàn cho rằng, cần xây dựng cơ chế đối với đất thuê từ 5-10 năm trở lên có thể thế chấp bằng giá trị thuê để vay vốn, bảo lãnh tín dụng dựa vào tài sản trên đất.

Từ góc nhìn của mình bà Khổng Thị Thịnh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình cho biết, kiến nghị dự thảo nghị định cần làm rõ việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp chỉ thực hiện 1 trong 3 tiêu chí hay phải đảm bảo cả 3 tiêu chí là “tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Huyền Trang