Gần 20% doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm 2018
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết những năm gần đây tình trạng thanh kiểm tra doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn có gần 20% doanh nghiệp bị thanh kiểm tra 2 lần/năm.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết về cải cách môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương "thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng”.
Dẫn nguồn khảo sát của 10.000 doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, số lần thanh tra, kiểm tra bình quân hàng năm cao nhất ở Hà Tĩnh (2,3 lần), Bạc Liêu (2,1 lần), Sơn La (2,1 lần), và thấp nhất ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh (cùng 1 lần/năm). Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết bị thanh tra, kiểm tra trùng lặp nội dung cao nhất ở Kiên Giang (19,7%), Lai Châu (19,5%), Điện Biên (17,9%), và thấp nhất ở Cần Thơ (1,3%), Tuyên Quang (3,9%), Quảng Ngãi (4,7%).
Nếu xét trên phạm vi cả nước, số lần thanh kiểm tra doanh nghiệp trong năm 2018 có xu hướng giảm so với năm 2017. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần trong năm trở lên giảm mạnh từ 39,8% xuống còn 18,9%. Đây là mức giảm tương đối mạnh, chứng tỏ trên bình diện chung thì các cơ quan nhà nước đã chấp hành Chỉ thị 20 của Thủ tướng và Nghị quyết 35.
“Tuy nhiên, vẫn có 18,9% doanh nghiệp cho biết họ bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên. Nếu tính tổng số lần thanh kiểm tra trên tổng số doanh nghiệp thì có khoảng nửa triệu cuộc thanh kiểm tra doanh nghiệp là từ lần thứ hai trở lên”, ông Tuấn nói.
Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng cho biết trong những năm gần đây cho thấy tình trạng thanh tra, kiểm tra trùng lặp nội dung có chút dấu hiệu cải thiện. Theo kết quả điều tra PCI năm 2018, 10,8% doanh nghiệp cho biết họ bị các cơ quan thanh, kiểm tra trùng lặp nội dung, thấp hơn mức 13,5% của năm 2017.
Một đặc điểm khác đáng chú ý đó là trong khi số lần thanh tra, kiểm tra trung bình hàng năm của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa lần lượt là 1,1 lần, 1,8 lần, và 2,7 lần thì số lần thanh, kiểm tra trung bình đối với doanh nghiệp lớn là 3,3 lần.
“Doanh nghiệp quy mô càng lớn và hoạt động càng lâu năm thường là đối tượng bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn và trùng lặp nội dung cũng nhiều hơn. 22% doanh nghiệp lớn và 14,7% doanh nghiệp thành lập trước năm 2000 bị thanh tra, kiểm tra trùng lặp”, ông Tuấn cho hay.
Dẫn kết quả điều tra PCI, ông Tuấn cho biết ở các địa phương, những cơ quan thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhiều nhất là cơ quan thuế (39% doanh nghiệp lựa chọn), cơ quan an toàn phòng chống cháy nổ (30%), và quản lý thị trường (19%).
“Đối với riêng thanh tra, kiểm tra thuế, khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thủ tục hành chính, thủ tục thuế năm 2019, ông Tuấn cho biết có khoảng 21% doanh nghiệp cho biết niên độ thanh/kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, và 23% nghĩ rằng nội dung thanh/kiểm tra bị trùng lặp”, ông Tuấn nói.
Một điều đáng lưu ý khác, ông Tuấn cho rằng ngành thuế cần cải thiện đó là có đến 33% doanh nghiệp bày tỏ quan ngại rằng kết quả thanh tra, kiểm tra có thể bị suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp.
“Dù vấn đề thanh kiểm tra trùng lặp còn chưa được ngành thuế giải quyết triệt để, nhưng những tín hiệu tích cực đã xuất hiện khi ngành thuế triển khai hình thức thanh tra, kiểm tra dựa trên đánh giá mức độ rủi ro”, ông Tuấn thông tin.
Theo kết quả khảo sát của VCCI, trong số các doanh nghiệp tự nhận có rủi ro từ trung bình đến rất cao, thực tế 61% doanh nghiệp đã bị cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra trong năm 2019.
Như vậy, trong khi tỷ lệ trung bình doanh nghiệp trên toàn quốc bị thanh, kiểm tra thuế là khoảng 42% thì tỷ lệ doanh nghiệp tự nhận có rủi ro bị thanh tra, kiểm tra là 61% (cao hơn 19 điểm phần trăm so với tỷ lệ trung bình chung).
Có thể bạn quan tâm
VCCI chính thức công bố báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết 02 – Từ góc nhìn doanh nghiệp
05:30, 17/12/2019
48% doanh nghiệp vẫn phải xin giấy phép con
09:19, 17/12/2019
Vấn đề này, theo ông Tuấn đang phản ánh việc lựa chọn doanh nghiệp để thanh kiểm tra dựa trên cơ chế quản lý rủi ro cho độ chính xác tương đối tốt.
“Điều này cũng hàm ý rằng, khi hệ thống quản lý thuế trên cơ chế rủi ro tiếp tục được hoàn thiện trong những năm tiếp theo, việc thanh, kiểm tra sẽ dần đúng đối tượng hơn và giảm bớt gánh nặng thanh kiểm tra đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật thuế”, ông Tuấn nói.
Do đó, để công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đạt được yêu cầu như Nghị quyết 35, ông Tuấn cho rằng cần chuyển dần sang nguyên tắc quản lý rủi ro, doanh nghiệp có rủi ro cao thì thanh kiểm tra nhiều hơn doanh nghiệp có rủi ro thấp. Việc lựa chọn các đối tượng thanh kiểm tra phải do máy tính chọn dựa trên các tiêu chí định trước và thông tin đầu vào khách quan. Các kết quả thanh tra, kiểm tra cũng cần được công bố công khai.