Việt Nam tiến gần hơn với top 4 ASEAN về môi trường kinh doanh

Huyền Trang 01/01/2020 04:50

TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện CIEM khẳng định nhiều cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2020 yêu cầu phải có sự đồng bộ của cả hệ thống.

Hôm nay (1/1/2020), theo dự kiến Chính phủ sẽ chính thức ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 và những năm tiếp theo.

TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản ký kinh tế Trung ương.

TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản ký kinh tế Trung ương.

-Ông đánh giá như thế nào về sự cải thiện của môi trường kinh doanh Việt Nam sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết về việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong những năm qua; hàng năm, Chính phủ đã ban hành và quyết liệt triển khai nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Năm 2019, hầu hết các chỉ số xếp hạng chung của Việt Nam được cải thiện điểm số và thứ hạng. Năng lực cạnh tranh quốc gia (GCI) của nước ta tăng tăng 3,5 điểm và 10 bậc. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của nước ta tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm. Năng lực cạnh tranh của ngành du lịch có cải thiện thêm 4 bậc. Môi trường kinh doanh tăng 1,2 điểm.

Các bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan đã nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như trách nhiệm của mình. Do đó, nhiều cơ quan đã chủ động và tích cực hơn trong thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ được giao nhằm nâng điểm số và thứ hạng các chỉ số thuộc trách nhiệm quản lý của mình và mục tiêu Việt Nam vào top 4 ASEAN về môi trường kinh doanh đang ngày càng gần hơn.

- Nhưng, thời gian gần đây, xuất hiện một luồng quan điểm cho rằng những nỗ lực cải cách ở Việt Nam đang chạm ngưỡng, đang đụng đến phần khó nhất là vấn đề động cơ và cách hành xử của cán bộ công chức. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi không nghĩ là cải cách đã chạm ngưỡng. Vấn đề là những lĩnh vực lâu nay chưa cải cách thì chúng ta phải cải cách, tuy hết sức khó khăn. Đầu tiên là nhận diện lại vai trò, mối quan hệ giữa thị trường và Nhà nước, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề tại cuộc làm việc gần đây với Tổ tư vấn kinh tế.

Đúng là quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của bộ ngành ở thời điểm hiện tại đang có dấu hiệu chững lại. Thậm chí, nhiều người cũng đặt câu hỏi với tôi rằng: “Có phải quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh này chỉ là hình thức và thực tế chất lượng môi trường kinh doanh không hề được cải thiện?”. 

Nhưng ở góc độ ban soạn thảo, tôi chỉ muốn hỏi rằng: “Nếu trong 6 năm liên tục gần đây Chính phủ không ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh thì môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ thế nào? Do đó, vấn đề ở thời điểm hiện tại là làm sao để môi trường kinh doanh Việt Nam tiếp tục được cải thiện chứ không phải là tranh cãi xem nó có chững lại hay không?”.

-So với Nghị quyết 02 năm 2019, Nghị quyết năm nay có những nội dung nào mới?

Nghị quyết 02 năm nay có 3 điểm mới như sau:

Thứ nhất, về mục tiêu: Nghị quyết bổ sung thêm mục tiêu cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cho năm 2020, trên cơ sở tính toán giữa kết quả đạt được và chưa đạt năm 2019 với mục tiêu đến năm 2021 với yêu cầu cải cách trong bối cảnh gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các quốc gia. Các mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh năm 2020 được xác định cụ thể là: Môi trường kinh doanh trong xếp hạng EoDB (của WB) tăng lên 7-10 bậc; Năng lực cạnh tranh trong xếp hạng GCI 4.0 (của WEF) tăng lên 2 - 3 bậc; Đổi mới sáng tạo trong xếp hạng GII (của WIPO) tăng lên 2 - 3 bậc; Chính phủ điện tử (của UN) tăng lên 10 - 15 bậc.

Bổ sung thêm các chỉ tiêu cụ thể về số lượng thời gian phải cắt giảm đối với một số chỉ số thành phần nhằm tạo tác động tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp nước ta ngay cả trong trường hợp kết quả cải cách không giúp tăng thứ bậc trên bảng xếp hạng giữa các quốc gia.

Thứ hai, về nhiệm vụ, giải pháp: Nghị quyết bổ sung thêm các giải pháp cụ thể, đặc biệt là các giải pháp cho các chỉ số chung, chỉ số thành phần mà nước ta bị tụt hạng, có thứ hạng thấp hoặc đòi hỏi phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa, cụ thể như sau:

Các giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số thành phần của môi trường kinh doanh (Chỉ số A), bao gồm 08 chỉ số: A1 – khởi sự kinh doanh, A2-nộp thuế và bảo hiểm, A5 – cấp giấy phép xây dựng A7- bảo vệ nhà đầu tư, A8 – đăng ký tài sản, A9 – giải quyết tranh chấp hợp đồng, A10 – phá sản doanh nghiệp.

Các giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh (Chỉ số B), bao gồm: 3 chỉ số: B1 – chi phí tuân thủ pháp luật (mặc dù năm nay tăng mạnh, nhưng đây là chỉ số quan trọng cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ), B3- chất lượng quản lý hành chính đất đai và B6 – chất lượng đào tạo nghề.

Các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo GII (Chỉ số C) và chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch (Chỉ số Đ).

Các giải pháp nhằm tiếp tục rà soát, đánh giá bãi bỏ hoặc đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đặc biệt là các điều kiện kinh doanh được quy định tại các Luật; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và chất lượng của các điều kiện kinh doanh được ban hành mới hoặc trong các dự thảo Nghị định, Luật đang trong quá trình soạn thảo.

Các giải pháp tiếp tục thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành; Hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành.

Cuối cùng, bổ sung các giải pháp và xác định rõ các chỉ tiêu đo lường mức độ thành công trong thực hiện đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Thứ ba là Nghị quyết bổ sung biện pháp tăng cường trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số theo hướng quy định rõ hơn trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn, tập huấn của Bộ, ngành được phân công làm đầu mối; yêu cầu chi tiết hơn về nội dung Kế hoạch hành động và báo cáo tình hình thực hiện.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Nghị quyết 02 năm 2020 và mục tiêu môi trường kinh doanh đạt ASEAN 4

    11:01, 24/12/2019

  • VCCI chính thức công bố báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết 02 – Từ góc nhìn doanh nghiệp

    05:30, 17/12/2019

  • “Siết” kỷ cương, kỷ luật công vụ trong thực hiện Nghị quyết 02

    18:31, 12/06/2019

-Vậy, điểm sáng nhất trong Nghị quyết 02 năm nay là gì, thưa ông?

Nghị quyết năm nay sẽ bổ sung các giải pháp tập chung vào giải quyết những vấn đề mà nước phải cải thiện nhưng nhiều năm qua vẫn hầu như không có cải thiện với mục tiêu là phải cắt giảm được chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Trọng tâm vẫn là cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, cải cách điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí trong kiểm tra chuyên ngành và xây dựng Chính phủ điện tử.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng bổ sung giải pháp để đảm bảo rằng các cải cách đã được thực hiện phải được thực thi đầy đủ để tất cả cộng đồng doanh nghiệp có liên quan được hưởng lợi và hưởng lợi đầy đủ. Ví dụ, Nghị quyết 02 yêu cầu các bộ, ngành phải công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hóa và phải thực hiện ngay trong quý I/2020.

Yêu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực thi đúng, đầy đủ những quy định đơn giản hóa về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ, đúng các quy định mới về điều kiện kinh doanh.

- Việt Nam còn phải làm những gì để có thể vào được top 4 về môi trường kinh doanh?

Tôi cho rằng Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu, giải pháp đã có, các cơ quan Bộ, ngành, địa phương cũng đã hiểu mình phải làm gì và làm như thế nào! Vấn đề cần làm bây giờ chỉ là tích cực, chủ động, quyết liệt và nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Ngoài ra, nhiều cải cách trong năm nay yêu cầu phải có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan; do đó, đòi hỏi sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan và tất cả cùng phải chuyển động về cùng một hướng. Tạo dựng môi trường kinh doanh tốt là hành động thiết thực nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp.

-Trân trọng cảm ơn ông! 

Huyền Trang