Luẩn quẩn với cơ chế của địa phương
Với mục tiêu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nhưng không ít người phải nhận "trái đắng" bởi “chính sách con, cơ chế phụ” địa phương đặt ra.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư, loại bỏ tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp là thông điệp được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra một cách mạnh mẽ tới tất cả các cơ quan Bộ, ngành trung ương và địa phương cũng như từng cán bộ công chức, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vừa diễn ra.
Hối hận vì "tiền hậu bất nhất"
Coi khu vực tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ đạo, chính sách khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân đầu tư về các địa phương, nhất là các vùng khó khăn. Vậy nhưng, khi triển khai các dự án, không ít doanh nghiệp tư nhân rơi vào bế tắc, lẩn quẩn bởi chính sách con, “cơ chế phụ” mà từng Bộ, ngành, địa phương đặt ra.
Khi doanh nghiệp chủ động với kinh tế tuần hoàn thì cần được các cấp chính quyền hỗ trợ quan tâm, tuyên truyền sâu rộng ngay từ tổ chức chính trị - xã hội.
Chỉa sẻ với DĐDN, ông Trần Lê Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và phát triển miền Trung nói rằng, mục tiêu đầu tiên mà những doanh nhân tâm huyết về quê hương đầu tư bài bản là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội quê hương. Khó có ngòi bút nào có thể tả hết sự thất vọng của doanh nhân khi mong ước đó đã bị dở dang. Những bài học "cay đắng" như vậy sẽ làm xấu đi hình ảnh về môi trường đầu tư kinh doanh ở địa phương một cách sâu sắc nhất.
Dẫn chứng về trường hợp cụ thể của mình, vào năm 2012, Công ty CP Đầu tư và Phát triển miền Trung đã được tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 vào năm 2012 với quy mô 4,02 ha tại khối 2, phường Vinh Tân, TP Vinh.
Tiếp đó, theo đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An, Công ty CP Đầu tư và Phát triển miền Trung đã “nhượng quyền” cho Công ty TNHH EM – TECH Việt Nam tại Nghệ An (nhà máy sản xuất linh kiện điện, điện tử) sử dụng hơn 30.000 m2 đất. Chính vì vậy, số diện tích còn lại gần 10.000 m2 để xây dựng khu thực hành và lập nghiệp cho sinh viên bắt buộc phải điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết xây dựng.
Tuy nhiên, từ tháng 9/2018, Công ty CP Đầu tư và Phát triển miền Trung đã gửi hồ sơ, văn bản xin điều chỉnh quy hoạch dự án tới các sở, ban, ngành nhưng một năm qua nhà đầu tư vẫn không được giải quyết.
Kết luận Thanh tra số 471/2019 của UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ, thời gian qua, doanh nghiệp phản ánh về thời gian giải quyết thủ tục đầu tư chậm là có cơ sở. Trong đó, nhiều thủ tục chậm kéo dài. Nguyên nhân do việc phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa tốt, chưa logic, có sai sót. Cụ thể, Sở KH&ĐT thực hiện chậm 5/40 nhiệm vụ công vụ; Sở TN&MT chậm 4/37; Sở Xây dựng chậm 6/36; Sở Nông nghiệp chậm 4/7...
Có thể bạn quan tâm
48% doanh nghiệp vẫn phải xin giấy phép con
09:19, 17/12/2019
Nghịch lý “quy định xử lý nước thải”: Giấy phép con hành doanh nghiệp?
06:30, 30/01/2019
Doanh nghiệp tiếp tục “phàn nàn” về giấy phép con
06:16, 21/11/2018
Dỡ bỏ “giấy phép con” và quyền tự do kinh doanh
11:11, 07/11/2018
CPTPP và… Giấy phép con!
10:08, 05/11/2018
Doanh nghiệp tư nhân "đơn phương, độc mã"
Không chỉ có vậy, trong công tác thực thi những chính sách phát triển bền vững, đôi khi, doanh nghiệp vẫn "đơn thương, độc mã" và không có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Đại diện một số doanh nghiệp ở Nghệ An cho rằng, nếu áp dụng phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra được môi trường sản xuất kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp. Bởi trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt thì yêu cầu tái sản xuất hay còn gọi là quay vòng sản phẩm do chính doanh nghiệp làm ra sẽ mang lại nhiều giá trị kinh tế. Đặc biệt, áp dụng xu hướng này sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ như trong thời gian qua.
Nói cách khác thì chủ trương chung để phát triển kinh tế do nhà nước phát động đều đúng quy luật nhưng khi tổ chức thực hiện lại bị “méo mó” theo từng cấp độ vùng miền, địa phương.
Ông Nguyễn Đức Tuyến, Giám đốc Trung tâm tư vấn và đào tạo doanh nhân đưa ra ví dụ cụ thể, chủ trương phát triển vật liệu xây dựng gạch không nung được Thủ tướng Chính phủ phát động từ nhiều năm trước để hạn chế sản xuất gạch nung tuynel, ảnh hưởng đến quỹ đất nông nghiệp... Nhưng tại nhiều địa phương, trong đó có Nghệ An vẫn còn tình trạng cấp phép cho nhà máy gạch nung tuynel được lấy nguyên liệu từ đất sẽ để sản xuất. Hoặc như mô hình sản xuất nước đóng chai nhựa cũng vậy. Doanh nghiệp muốn tái sử dụng vỏ chai để tiếp tục quay vòng sản xuất thì lại vướng vào các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa nói tới phải đẻ thêm “giấy phép con” chồng lấn thủ tục trước đó doanh nghiệp đã cam kết với cơ quan chức năng…