Chi phí tuân thủ pháp luật vẫn là gánh nặng lớn với doanh nghiệp
Nhiều chuyên gia cho rằng chi phí tuân thủ pháp luật có xu hướng giảm nhưng vẫn là gánh nặng rất lớn với doanh nghiệp, dẫn đến kém cạnh tranh, thậm chí mất cơ hội kinh doanh.
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ – Góc nhìn từ doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cách đây không lâu cho thấy chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng giảm trong nhiều năm qua.
“Đây là kết quả phản ánh tích cực các nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính”, báo cáo của VCCI nêu rõ.
Mặc dù có sự cải thiện theo thời gian như vậy, song theo báo cáo của VCCI, vấn đề thủ tục giấy tờ phức tạp vẫn là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp gặp phải khi chỉ có 56,9% các doanh nghiệp có nhận định rằng thủ tục giấy tờ là đơn giản. Việc phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính cũng là một vấn đề đáng quan ngại nữa đối với các doanh nghiệp khi chỉ có 57,5% doanh nghiệp cho biết họ không phải đi lại nhiều lần.
“Đặc biệt, đây lại là đánh giá bị giảm điểm so với năm 2016 khi có đến 63,3% doanh nghiệp có nhận định này. Nói cách khác, vấn đề bắt doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để giải quyết thủ tục hành chính lại đang có xu hướng thay đổi không tích cực”, báo cáo của VCCI nhấn mạnh.
Đáng chú ý, kết quả PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố hồi tháng 3/2019 vẫn khẳng định có đến 66% trong tổng số khoảng 10.000 doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ quan ngại về các khoản phí không chính thức và tới 54% doanh nghiệp thừa nhận phải trả loại phí này.
Theo các chuyên gia, chính việc nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến không ít doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh, thậm chí là giải thể.
Như vậy, vấn đề ở chỗ đây không phải là câu chuyện mới. Và trong hầu hết các hội thảo với chủ đề cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, các chuyên gia khẳng định chi phí tuân thủ pháp luật vẫn là gánh nặng lớn với doanh nghiệp.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, chi phí tuân thủ pháp luật vẫn là thách thức lớn với doanh nghiệp.
Theo ông Hiếu có năm loại chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả trong quá trình hoạt động, bao gồm: thủ tục hành chính; đầu tư; phí và lệ phí; cơ hội và chi phí không chính thức. Trong đó, theo ông Hiếu, chi phí cơ hội kinh doanh và chi phí không chính thức rất khó tính toán nhưng diễn ra khá phổ biến.
“Tôi lấy ví dụ đơn giản về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo Dự thảo mới nhất taxi sẽ phải có phù hiệu “xe taxi” và dán cố định phía bên phải mặt kính trước xe, niêm yết đầy đủ thông tin trên xe theo quy định, có hộp đèn chữ “taxi” gắn cố định trên nóc xe.... Trường hợp ô tô sử dụng hợp đồng điện tử thì phải có hộp đèn điện tử tối thiểu 12x30 cen ti mét... Tính trung bình, chi phí để có phù hiệu cho mỗi chiếc xe là vài trăm nghàn thì nhân lên với số lượng taxi đang hoạt động hiện nay sẽ ra một con số vô cùng khủng khiếp”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Để cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật, ông Phan Đức Hiếu cho rằng phía cơ quan nhà nước, khi soạn thảo quy định pháp luật, cần luôn tư duy rằng luật pháp rất “đắt đỏ”, một chữ viết ra có thể gây tốn kém hàng tỉ đồng cho doanh nghiệp.
Chính vì thế, ông Hiếu cho rằng có hai câu hỏi cốt yếu cần được đặt ra và trả lời: “Liệu có cách thức nào rẻ hơn mà vẫn đạt mục tiêu quản lý không?” và “Liệu có cách thực hiện nào nhanh hơn mà đỡ tốn kém hơn không?”.
Có thể bạn quan tâm
Tuân thủ pháp luật cũng thành... gánh nặng chi phí
00:03, 01/05/2019
Bắt đầu cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật
16:20, 17/04/2019
Đồng thời, các cơ quan thực thi ở các bộ và ở địa phương cần tổ chức thực thi pháp luật một cách hiệu quả như rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, đúng hẹn; ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu...
Ông Hiếu cũng đề xuất chính quyền địa phương cần ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; công khai minh bạch thông tin trên trang web cơ quan chính quyền; thường xuyên đối thoại, nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.