Từ án phạt gian lận thuế của Cocacola, Heineken: Nhận diện muôn nẻo chuyển giá của các đại gia FDI

Huyền Trang 15/01/2020 12:04

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội khẳng định hiện tại pháp luật về chống chuyển giá của Việt Nam hiện còn yếu và có nhiều lỗ hổng.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, việc Heineken Việt Nam bị truy thu 916 tỷ đồng cho giao dịch 4.800 tỷ đồng thực hiện cuối năm 2018; Coca Cola cũng bị phạt và truy thu thuế 821 tỷ đồng không phải là chuyện mới gặp ở thị trường Việt Nam. 

Các đơn vị tư vấn thuế và kiểm toán các Tập đoàn lớn thường xuyên đưa ra những cảnh báo về rủi ro liên quan tới việc kê khai thiếu

Các đơn vị tư vấn thuế và kiểm toán các Tập đoàn lớn thường xuyên đưa ra những cảnh báo về rủi ro liên quan tới việc kê khai thiếu, kê khai chưa đủ 

Trước Coca Cola hay Heineken có hàng chục Tập đoàn nước ngoài hoạt động ở Việt Nam hàng chục năm nhưng vẫn khai báo lỗ và nằm trong diện nghi ngờ chuyển giá, có thể kể đến các công ty như Adidas, Pepsi, Kengnam, Honda… 

Tuy nhiên, vấn đề chuyển giá, tránh thuế của các doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua chính sách giá giao dịch nội bộ đã và đang là thách thức lớn đối với mỗi quốc gia, đây không chỉ là vấn đề gây “đau đầu” cho Việt Nam mà cả cho nhiều quốc gia khác.

- Từ góc nhìn của một người làm nghề luật, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này, thưa ông?

Chuyển giá được các chuyên gia kinh tế, kiểm toán đánh giá là một "vấn nạn toàn cầu". Tận dụng chính sách ưu đãi dành cho các công ty nước ngoài để thu hút đầu tư, các Tập đoàn đa quốc gia hoạt động, mở rộng thị phần tại một số thị trường (trong đó có Việt Nam) nhưng luôn nằm trong tình trạng lỗ và lỗ nặng.

Nhiều câu hỏi vẫn đặt ra, tại sao tổng lợi nhuận toàn cầu của các Tập đoàn này nằm trong nhóm lợi nhuận tăng trưởng hàng năm nhưng ở Việt Nam lại hoạt động một cách kém hiệu quả đến như vậy.

Tôi phân tích Heineken như một trường hợp điển hình. Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd có trụ sở tại Singapore. Công ty này có giao dịch chuyển nhượng vốn 100% cổ phần tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam. Trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu ngoài lãnh thổ, giống trường hợp Heineken thường sẽ phát sinh tranh chấp quyền đánh thuế giữa các nước có ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Tuy nhiên theo Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước cộng hòa Singapore về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập ký tại Hà Nội ngày 2/3/1994 và Nghị định thư thứ hai điều chỉnh hiệp định này thì lợi tức từ chuyển nhượng tài sản đã được quy định như sau: Thu nhập do một đối tượng cư trú của một nước ký kết thu được từ việc chuyển nhượng các cổ phần, không phải các cổ phần của một công ty được niêm yết trên một thị trường chứng khoán được công nhận của một hoặc cả hai nước ký kết, nhận được nhiều hơn 50% giá trị của công ty trực tiếp hoặc gián tiếp từ bất động sản nằm tại nước ký kết kia có thể bị đánh thuế tại nước kia.

Như vậy, nghĩa là nếu giá trị bất động sản trên tổng tài sản chuyển nhượng cao hơn 50% thì nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng phải thực hiện kê khai và nộp ở nước sở tại. Nghĩa là giao dịch chuyển nhượng vốn nêu trên của Heineken nếu giá trị bất động sản trên tổng tài sản chiếm trên 50% thì phải kê khai và nộp thuế tại Việt Nam. Như vậy nếu doanh nghiệp này chuyển nhượng vốn và cố gắng vận dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, xin được áp dụng hiệp định này để không phải nộp thuế thì cơ quan thuế phải chứng minh tỷ lệ giá trị tài sản hình thành từ bất động sản chiếm từ 50% tổng giá trị chuyển nhượng để yêu cầu doanh nghiệp này phải thực hiện theo pháp luật Việt Nam, không thể theo hiệp định được và phải nộp thuế tại Việt Nam.

Trong thương vụ của Heineken, qua thanh tra, cơ quan thuế kết luận giá trị bất động sản trên tổng tài sản chiếm 53,99% (vượt mức quy định theo hiệp định). Do đó, Heineken phải có nghĩa vụ nộp số thuế trên tại Việt Nam.

Từ sự việc này cho thấy rõ ràng có nhiều doanh nghiệp đang tìm cách lợi dụng các quy định về tránh đánh thuế hai lần để trốn nghĩa vụ nộp thuế, làm thất thu cho ngân sách Việt Nam. Thanh tra, cơ quan thuế cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các giao dịch của các doanh nghiệp FDI hơn nữa.

- Vậy thách thức lớn nhất trong việc xử lý là gì mà khiến chuyển giá trở thành "vấn nạn toàn cầu", thưa ông?

Vấn đề chuyển giá, tránh thuế của các doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua chính sách giá giao dịch nội bộ đã và đang là thách thức lớn đối với mỗi quốc gia, đây không chỉ là vấn đề gây “đau đầu” cho Việt Nam mà cả cho nhiều quốc gia khác.

 luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Đấu tranh chống chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI rất phức tạp bởi các doanh nghiệp lớn luôn có tiềm lực tài chính và nhân lực rất mạnh. Họ có một đội ngũ chuyên gia cực kỳ am hiểu về kế toán, tài chính, thuế và luật để có thể che mắt các cơ quan quản lý, nhất là các cơ quan thuế địa phương…

Tại Việt Nam, cùng với chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì công tác chống chuyển giá đã được chú trọng trong nhiều năm qua. Hệ thống thể chế, chính sách điều chỉnh các hành vi chuyển giá đã không ngừng được hoàn thiện thông qua hệ thống các văn bản Nghị định, Thông tư quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, hệ thống Hiệp định thuế, các quy định về ấn định thuế tại Luật Quản lý thuế trong trường hợp người nộp thuế mua bán, hạch toán giá trị hàng hoá, dịch vụ không theo giá thị trường, quy định tại Luật Quản lý thuế cho phép người nộp thuế áp dụng cơ chế xác định trước giá tính thuế đối với giao dịch liên kết để kê khai, nộp thuế.

Ngoài ra, Luật Quản lý thuế 2019 sẽ sớm có hiệu lực vào 01/7/2020 đã luật hóa một số nguyên tắc cơ bản về giao dịch liên kết. Những quy định này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, góp phần phòng chống và ngăn chặn hành vi chuyển giá, trốn thuế gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, phải xác định rằng hiện tại pháp luật về chống chuyển giá của Việt Nam hiện còn yếu và có nhiều lỗ hổng. Việc xác định các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp FDI có hành vi chuyển giá hay không và xác định giá thị trường với các giao dịch liên kết còn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ chúng ta chưa có phương pháp để nắm được dữ liệu cụ thể; chưa xây dựng được một hệ thống dữ liệu chung, công khai để các cơ quan thuế và doanh nghiệp làm căn cứ để phân tích giá thị trường; chưa hình thành được các sàn giao dịch hàng hóa lớn để làm căn cứ so sánh giá với các thị trường nước ngoài.

Chúng ta cũng chưa có một cơ quan chuyên trách nào về việc xác định mức giá thị trường của một sản phẩm, vì thế không có căn cứ nào để biết doanh nghiệp FDI có thực hiện hành vi chuyển giá hay không.

Có thể bạn quan tâm

  • Từ chuyện Coca-Cola bị truy thu hơn 800 tỷ đồng tiền thuế, cách nào ngăn các ông lớn "né" thuế?

    01:25, 15/01/2020

  • "Tạo thuận lợi về chính sách thuế cho doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu chống chuyển giá"

    23:13, 29/11/2019

  • Chống chuyển giá ngay từ khâu đầu tư

    09:09, 14/05/2019

  • Không khuyến khích thanh toán tiền mặt, chống chuyển giá

    11:01, 13/05/2019

  • Đưa chống chuyển giá vào Luật Đầu tư

    11:25, 10/05/2019

  • Xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết và chống chuyển giá (Kỳ II)

    00:24, 13/02/2019

  • Xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết và chống chuyển giá (Kỳ I)

    00:17, 12/02/2019

  • Thực trạng chuyển giá và giải pháp chống chuyển giá ở Việt Nam

    06:16, 28/09/2018

- Quan điểm của ông để khắc phục tình trạng này?

Thực tế cho thấy, chuyển giá là hiện tượng phổ biến trong nền kinh tế thị trường, chuyển giá về bản chất không phải là một hoạt động bất hợp pháp. Do đó, để hạn chế tình trạng này ngành thuế nên công khai tên tuổi những ông lớn nước ngoài kê khai lỗ lớn, nghi án chuyển giá. Bên cạnh đó cần có những giải pháp đồng bộ:

Một là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chống chuyển giá một cách căn cơ. Cải cách ưu đãi thuế trên cơ sở thu hẹp diện ưu đãi theo ngành, lĩnh vực, tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, công nghệ, môi trường, liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính sách ưu đãi phải dựa trên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Hai là, xây dựng chế tài trong chuyển giá theo hướng tăng mức phạt và hình thức phạt so với quy định hiện tại để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Ba là, cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp có giao dịch liên kết áp dụng phương pháp APA (cơ chế thỏa thuận trước về xác định giá) thay vì việc để các doanh nghiệp tự nguyện đăng ký.  

Bốn là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư đồng bộ, thông suốt về doanh nghiệp FDI để các cơ quan trung ương, địa phương có thể truy cập và kết xuất được tất cả các thông tin liên quan đến doanh nghiệp FDI để phục vụ công tác tổng hợp; từ đó, giúp công tác đánh giá, giám sát được hiệu quả, kịp thời. Theo đó, điều tra, thanh tra thực địa sẽ được giảm tải nhưng hiệu quả lại lớn hơn so với trước đây.

-Trân trọng cảm ơn ông!

DĐDN sẽ tiếp tục thông tin!

Huyền Trang