Fintech Việt Nam có được “cởi trói”?
Ngân hàng Nhà nước dự kiến bỏ quy định áp trần tỷ lệ góp vốn ngoại đối với các công ty Fintech.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu điều này được thực hiện thì Fintech sẽ thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam.
Theo dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt mà không có nội dung giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các công ty Fintech có hoạt động trung gian thanh toán như dự thảo trước đó.
Đây được xem là tin vui đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Được "cởi trói" khỏi quy định áp trần vốn ngoại, các công ty Fintech của Việt Nam có thể dễ dàng hơn trong việc gọi vốn từ các ông lớn.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung) và đã nhận được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài.
Đến nay, NHNN cho biết đã nhận được ý kiến của hầu hết các bộ, ngành có liên quan; các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; tổ chức trung gian thanh toán, các hiệp hội và tổ chức khác (với gần 80 ý kiến).
Nội dung tâm điểm của dự thảo là dự kiến đưa ra tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là 49% chỉ áp dụng cho các hoạt động trung gian thanh toán (không phải tất cả các công ty Fintech).
“Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, NHNN cũng nhận được các ý kiến khác xung quanh việc quy định giới hạn tỷ lệ vốn góp, do dịch vụ trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ mới dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của công nghệ nên đầu tư nước ngoài đóng vai trò khá quan trọng, nếu hạn chế có thể ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán nói riêng, Fintech nói chung”, NHNN khẳng định.
Theo một số chuyên gia tài chính, thông báo của NHNN hướng tới một mục đích sâu xa hơn là để đạt mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực ngân hàng, nhằm mang lại những lợi ích cho người dân sử dụng dịch vụ tài chính cũng như phát triển hạ tầng thanh toán của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng.
Cùng với đó, để thực hiện các giải pháp được đề ra tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính trong nền kinh tế (Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ), một trong những chính sách mới được đề cập trong Dự thảo Nghị định đó là dự kiến quy định hoạt động đại lý thanh toán.
Có thể bạn quan tâm
Giới hạn 49% đầu tư nước ngoài vào Fintech: Việt Nam có thể bị kiện
14:05, 14/12/2019
Fintech Việt Nam bùng nổ bất ngờ: Tổng vốn đầu tư tăng từ 0% lên 36% khu vực Đông Nam Á chỉ sau 1 năm!
16:00, 16/01/2020
Giới hạn sở hữu nước ngoài hạn chế sự phát triển của fintech Việt Nam
05:40, 11/01/2020
Theo đó, với mô hình giao đại lý, ngân hàng được giao cho bên đại lý cung ứng một phần các dịch vụ thanh toán như nộp/rút tiền mặt vào/ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ,... Chính sách mới này nhằm mục tiêu hỗ trợ phổ cập tài chính sâu rộng hơn tới đông đảo người dân bằng việc tăng cường đưa dịch vụ tài chính tới những người dân vốn trước đây chưa có tài khoản ngân hàng, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa,.. Bên cạnh đó, quy định này cũng giúp cho ngân hàng có thể tiếp cận khách hàng mà không phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định, dự kiến trình Chính phủ Nghị định này trong tháng 6/2020.