Vụ “phá hủy” công viên nước Thanh Hà: Chính quyền “lạm dụng” cưỡng chế?
Xoay quanh câu chuyện công viên nước Thanh Hà biến thành một đống “đổ nát” bởi quyết định của quận Hà Đông, Hà Nội. Chủ tịch VIAC nhận định, ở đây có sự “lạm dụng” trong quá trình thực hiện cưỡng chế.
Như báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Công viên nước Thanh Hà chủ đầu tư là Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Công ty Cienco5 ) có vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng, được xác định xây dựng nhằm mục đích phục vụ công cộng; làm khu vui chơi cho trẻ em. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng đã xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm.
Lãnh đạo quận Hà Đông lên tiếng
Trước sự việc trên, các cơ quan chức năng quận Hà Đông đã kiểm tra và xác định công viên nước Thanh Hà là hạng mục xây dựng phải có giấy phép xây dựng, nhưng chủ đầu chưa thực hiện việc xin phép xây dựng. Do đó, UBND quận Hà Đông yêu cầu chủ đầu tư dừng khai thác, sử dụng để chờ xử lý. Đến ngày 15,16-1-2020, Phường Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội) triển khai kế hoạch tháo dỡ toàn bộ các công trình, theo Quyết định số 5079 ngày 24-12-2019 của UBND quận Hà Đông về việc cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Cienco 5 về hành vi vi phạm trật tự xây dựng tại lô A2.2 CCĐT01, Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 trên địa bàn.
Sau hai ngày thực hiện cưỡng chế, công viên nước Thanh Hà đã bị phá hủy toàn bộ, không hạng mục nào còn nguyên vẹn. Kể cả hạng mục cây xanh không có tên trong danh mục bị cưỡng chế cũng bị “quật đổ” ngổn ngang.
Tại hội nghị thông tin báo chí Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều ngày 11/02/2020, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho lãnh đạo UBND quận Hà Đông, như việc tại sao vi phạm trật tự xây dựng diễn ra một thời gian dài mà chính quyền không xử lý từ đầu để đến khi doanh nghiệp đưa công trình vào khai thác sử dụng và xảy ra hậu quả nghiêm trọng mới xử lý? Các tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế tại sao vẫn bị đoàn cưỡng chế “phá hủy” toàn bộ, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp?
Trước hàng loạt các câu hỏi từ phóng viên, Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông, Ông Nguyễn Quang Ngọc chỉ khẳng định rằng toàn bộ quá trình thực hiện cưỡng chế công viên nước Thanh Hà được địa phương làm đúng theo quy định của pháp luật, chính quyền đã đôn đốc yêu cầu doanh nghiệp tự tháo dỡ nhiều lần nhưng doanh nghiệp không thực hiện nên quận mới giao cho phường Phú Lương thực hiện cưỡng chế đúng theo quy định, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật(!?)
Nói về trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, ông Ngọc cho biết, quận đang xem xét trách nhiệm của các bộ phận liên quan và sẽ xử lý nghiêm túc. Sự việc trên quận đã có báo cáo TP. Hà Nội ngày 06/02/2020 và cho đến nay Thành phố cũng chưa có chỉ đạo gì thêm, ông Ngọc cũng cho biết.
Lãng phí tiền bạc của doanh nghiệp và xã hội
Nhận định về vụ việc trên, ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng: Trong quá trình thực thi pháp luật, đoàn cưỡng chế đã không căn cứ vào các quy định của pháp luật cho nên có sự lạm dụng trong việc cưỡng chế.
Thứ nhất, như phóng viên đã đề cập là vấn đề ranh giới giữa “phá hủy” và “tháo dỡ”. Ở đây pháp luật đã quy định chỉ được “tháo dỡ” cho nên khi anh “phá hủy” là vi phạm pháp luật. Như vậy để bảo vệ pháp luật, anh lại quá đà vào việc lạm dụng quyền của mình, để cuối cùng chỉ đạt được mục đích cho mình mà gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Thứ hai, từ một câu chuyện cụ thể như cưỡng chế công viên nước Thanh Hà, chúng ta phải rút ra bài học: Bài học nhãn tiền là chính quyền cơ sở phải thường xuyên giám sát các hoạt động của doanh nghiệp và chính doanh nghiệp cũng phải thực sự tuân thủ pháp luật. Trường hợp như doanh nghiệp nào không tuân thủ pháp luật thì vấn đề giám sát, thanh kiểm tra kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp đó tuân thủ theo đúng pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Cưỡng chế công viên Thanh Hà: "Án lệ" để nâng cao năng lực quản lý
08:20, 12/02/2020
"Phá hủy" công viên nước Thanh Hà: Chính quyền "lạm dụng" cưỡng chế?
01:00, 12/02/2020
Quận Hà Đông, Hà Nội “né” câu hỏi liên quan đến việc phá dỡ Công viên nước Thanh Hà
19:05, 11/02/2020
Trong vụ việc này, chúng ta thấy công trình đó đã đi vào hoạt động được gần nửa năm và chỉ đến khi xảy ra hai vụ đuối nước thương tâm thì chính quyền mới có động thái vào cuộc xử lý. Vậy nếu như không xảy ra những tai nạn thương tâm kia thì sao?
“Hơn nữa tài sản của doanh nghiệp, của công dân cũng là tài sản của xã hội và quốc gia có nhiệm vụ phải bảo vệ những tài sản đó. Hiện nay trên thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của một quốc gia ở mức độ bảo hộ tài sản của doanh nghiệp như thế nào? Trong vụ việc này chúng ta thấy có một bộ phận không nhỏ cán bộ công quyền, không coi trọng giá trị quyền bảo hộ tài sản của doanh nghiệp, thực tế chính việc lạm dụng cưỡng chế này cuối cùng thành “phá hủy” tài sản của doanh nghiệp, gây lãng phí tiền của...”, chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin!