[20 năm LUẬT DOANH NGHIỆP]: “Cuộc cách mạng” thủ tục thành lập doanh nghiệp

Huyền Trang thực hiện 15/02/2020 11:00

Các phiên bản Luật Doanh nghiệp thực sự là một đột phá về thủ tục hành chính cấp phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Đó là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự với DĐDN. 

Sau 20 năm Luật Doanh nghiệp được ban hành, Luật đã tạo sự thay đổi trong tư duy quản lý quyền kinh doanh… từ đó tạo ra một lớp doanh nghiệp ngày một lớn mạnh. Để Luật Doanh nghiệp 2020 ngày một tiệm cận với thông lệ quốc tế, mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: bandoc@dddn.com.vn.

- Ông có đánh giá như thế nào về thủ tục đăng ký doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp qua các thời kỳ?

Trước năm 2000 (năm có hiệu lực Luật Doanh nghiệp 1999), việc thành lập 1 công ty hay 1 doanh nghiệp tư nhân phải kéo dài trung bình từ 3-6 tháng, thậm chí đến gần 1 năm với số lượng các giấy tờ chuẩn bị khá nhiều. Có những giấy tờ rất khó khăn khi đạt được đối với các quy định pháp luật giai đoạn đó: như bản giải trình về biện pháp bảo vệ môi trường, giấy tờ chứng thực về trụ sở giao dịch, xác nhận của ngân hàng về vốn điều lệ... Thủ tục thành lập phải thực hiện thành 2 bước: cấp phép thành lập doanh nghiệp và cấp phép đăng ký kinh doanh tại 2 cơ quan là UBND và Phòng đăng ký kinh doanh. Chưa tính đến các thủ tục về xin khắc dấu, xin mã số thuế, xin mã số xuất nhập khẩu…

Sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực, thời gian cấp phép đã được rút ngắn nhanh chóng. Doanh nghiệp chỉ mất từ 4 tuần cho đến 6 tuần để xin phép thành lập doanh nghiệp với thành phần hồ sơ đơn giản hơn. Thủ tục xin phép chỉ còn phép chỉ còn lại 1 bước là thủ tục đăng ký kinh doanh tại Phòng Đăng ký kinh doanh mà không cần phải thực hiện thành 2 bước với 2 cơ quan như trước kia.

Cơ chế giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” cũng bắt đầu từ việc thí điểm tại các hoạt động đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư vào giai đoạn 2001-2003. Kết quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính của địa phương.

Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Doanh nghiệp 2014 tiếp tục cải cách các quy định liên quan đến thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc gia nhập thị trường, như hợp nhất mã số doanh nghiệp với mã số thuế, xây dựng cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, huỷ bỏ yêu cầu về thông báo mở cửa văn phòng, đơn giản hoá chế định về “con dấu” của doanh nghiệp, các chế định về hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp…

- Sự thay đổi này đã tác động như thế nào tới cộng đồng doanh nghiệp trong suốt 20 năm qua, thưa ông?

Có thể nói Luật Doanh nghiệp 1999 và các luật doanh nghiệp sau này đã là nền tảng pháp lý để khu vực kinh tế tư nhân được phát triển mạnh mẽ. Nhiều người ví von là Luật Doanh nghiệp đã “cởi trói” người dân để mọi người có thể bỏ vốn để đầu tư và kinh doanh công khai và theo pháp luật thay vì là cất giấu tiền, tài sản hoặc kinh doanh “cẩn mật”. Với số lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang hoạt động là gần 600.000 doanh nghiệp và gấp nhiều lần số doanh nghiệp nhà nước đang tồn tại, là một minh chứng rõ rệt nhất về chính sách và pháp luật cởi mở đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh trong 20 năm qua.

Luật Doanh nghiệp là một cuộc cải cách thủ tục hành chính có tính đột phá đầu tiên và là tiền đề để thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực liên quan đến quyền kinh tế, dân sự của người dân và doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp không chỉ là cải cách thủ tục hành chính mà còn đưa ra các nguyên tắc cơ bản về quản trị doanh nghiệp. Trải qua 20 năm của các phiên bản Luật Doanh nghiệp, nhiều mô hình tổ chức kinh doanh đã được hình thành nhằm giúp người kinh doanh có thể thu hút được nhiều nguồn vốn hơn và các mở rộng tốt hơn các khả năng liên kết kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

  • [20 năm Luật DOANH NGHIỆP]: “Hàn thử biểu” của niềm tin

    [20 năm Luật DOANH NGHIỆP]: “Hàn thử biểu” của niềm tin

    15:43, 13/02/2020

  • Luật doanh nghiệp và cuộc cách mạng trong kinh doanh

    Luật doanh nghiệp và cuộc cách mạng trong kinh doanh

    12:05, 09/02/2020

  • Dự thảo Luật Doanh nghiệp bảo vệ quyền của cổ đông nhỏ như thế nào?

    Dự thảo Luật Doanh nghiệp bảo vệ quyền của cổ đông nhỏ như thế nào?

    05:20, 26/01/2020

  • Dự thảo Luật Doanh nghiệp và vấn đề tối giản thủ tục thành lập doanh nghiệp

    Dự thảo Luật Doanh nghiệp và vấn đề tối giản thủ tục thành lập doanh nghiệp

    05:20, 25/01/2020

- Là một luật sư có gắn bó nhiều năm với Luật Doanh nghiệp và thường xuyên tư vấn cho doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến thủ tục thành lập, quản trị và vận hành doanh nghiệp. Ông có kỷ niệm nào đáng nhớ?

Tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ đối với sự phát triển của Luật Doanh nghiệp trong 20 năm qua. Ví dụ thú vị về khả năng diễn giải và áp dụng của Luật Doanh nghiệp 1999 ở các cơ quan nhà nước là rất khác nhau trong giai đoạn Luật Doanh nghiệp 1999 mới được ban hành. Khi tôi và một số người có liên quan đến hoạt động soạn thảo và theo dõi thi hành Luật Doanh nghiệp đi khảo sát ở một địa phương. Chúng tôi phát hiện một địa phương có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân nhưng lại có tên là “xí nghiệp” – một từ cũ của thời kinh tế bao cấp nhằm ám chỉ tới doanh nghiệp nhà nước. Khi phỏng vấn các chủ “xí nghiệp” thì họ cho biết họ đang là hộ kinh doanh cá thể nhưng được yêu cầu phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Nhưng do quy mô kinh doanh của họ nhỏ nên địa phương đã cấp phép cho họ là “xí nghiệp” với loại hình doanh nghiệp tư nhân. Khi phỏng vấn cán bộ địa phương, họ cho rằng cần thiết phải làm vậy để có thể quản lý được các hộ kinh doanh này. Ngoài ra, họ cũng cho rằng đó là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hộ này khi cho họ tên gọi “xí nghiệp” để gắn với doanh nghiệp nhà nước, để dễ tiếp cận thị trường hơn và để có cảm giác “oai hơn”...

- Tối giản thủ tục thành lập nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả quản lý của Nhà nước đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Ở góc nhìn của ông, Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần thay đổi nội dung gì để giải bài toán này?

Theo tôi, trước hết phải là trách nhiệm công vụ của từng cán bộ nhà nước trong hoạt động quản lý và tiếp đến là các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, chứ không phải chỉ những quy định của Luật Doanh nghiệp. Tất nhiên, Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần phải sửa đổi một số quy định để có tính định hướng và giải quyết những vấn đề còn bất cập trên thực tế của chính các quy định của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, để sửa quy định nào của Luật Doanh nghiệp hiện nay thì cần phải đánh giá tác động thấu đáo.

- Nhưng nhiều ý kiến e ngại rằng thủ tục quá đơn giản sẽ lại tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp trục lợi, thưa ông?

Tôi không nghĩ việc một số cá nhân trục lợi là lỗi của Luật Doanh nghiệp. Đây là vấn đề có một vài cá nhân cố ý làm trái pháp luật. Quy định pháp luật có tốt đến đâu hay nghiêm khắc đến đâu thì vẫn có thể có hành vi vi phạm xảy ra. Hoạt động quản lý nhà nước là cần phải giải pháp hài hoà giữa sự tự do với tính nghiêm túc tuân thủ pháp luật

- Hiện tại, Dự thảo Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn đang được mang ra lấy ý kiến. Là một luật sư tham gia sâu vào quá trình soạn thảo chính sách, ông đóng góp thế nào để Dự thảo luật này được hoàn thiện hơn?

Tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp thì cần chú ý tới một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tính ổn định của pháp luật doanh nghiệp. Như tôi đã nêu ở trên, tính ổn định của pháp luật sẽ giúp cho pháp luật trở nên có thể dự đoán được, tạo sự thống nhất trong quy định pháp luật và tránh sự lạm quyền. Chúng ta có thể thấy tính ổn định pháp luật thường được quy định trong các hiệp định đầu tư quốc tế hoặc trong những quốc gia theo đuổi các nguyên tắc pháp quyền. Việt Nam đang hướng tới điều này. Ngoài ra, để thu hút đầu tư và bảo đảm các cam kết quốc tế về đầu tư, pháp luật của nhà nước tiếp nhận đầu tư thường phải cam kết với nhà đầu tư nước ngoài khi thay đổi pháp luật thì không gây ảnh hưởng cho nhà đầu tư.

Thứ hai, các nguyên tắc cốt lõi. Để bảo đảm tính ổn định của Luật Doanh nghiệp thì Luật Doanh nghiệp cần phải xây dựng một số các nguyên tắc cốt lõi của luật này. Nếu những nguyên tắc này được xây dựng tốt, ổn định trong một thời gian dài thì sẽ giúp cho các quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp sẽ dễ dàng có thể thống nhất, phù hợp với nhau, như Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư…

- Xin cảm ơn ông!

Huyền Trang thực hiện