VCCI góp ý dự thảo Nghị định xử phạt hành chính thuế, hóa đơn

Đỗ Huyền 20/02/2020 05:15

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Về hình thức xử phạt bổ sung được quy định theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Dự thảo thì “đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng” là một trong các hình thức xử phạt bổ sung.

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này để đảm bảo tính thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan. Bởi vì, theo quy định tại pháp luật về doanh nghiệp và các văn bản pháp luật chuyên ngành (quy định về điều kiện kinh doanh, giấy phép) thì vi phạm hành chính về thuế không thuộc các trường hợp doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Về xử phạt hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế được quy định tại Khoản 1 Điều 10 Dự thảo quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi “ghi thiếu, ghi sai các chỉ tiêu trong hồ sơ thuế nhưng không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế”.

Khoản 4 Điều 10 Dự thảo quy định phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi “kê khai không trung thực nội dung hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế”.

“Hồ sơ đăng ký thuế” là “hồ sơ thuế” (khoản 9 Điều 3 Luật Quản lý thuế). “Hành vi ghi thiếu, ghi sai các chỉ tiêu trong hồ sơ thuế” có thể trùng với hành vi “kê khai không trung thực nội dung hồ sơ đăng ký thuế”. Như vậy, VCCI cho rằng hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 10 có sự chồng lấn và có thể được xử phạt hai khung phạt tiền khác nhau cho một hành vi.

Để đảm bảo tính minh bạch, VCCI đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại hai quy định này để tránh chồng lấn (có thể loại trừ quy định khoản 4 Điều 10 trong quy định tại khoản 1 Điều 10).

Về xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế được quy định tại Điều 11 Dự thảo quy định về số ngày quá hạn nộp hồ sơ khai thuế để xác định hành vi vi phạm và khung phạt tiền. Tuy nhiên, Dự thảo không quy định rõ thời điểm là căn cứ xác định thời gian quá hạn (ví dụ: “phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày”, vậy “từ 01 ngày đến 05 ngày” tính từ thời điểm nào? Ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hay ngày gia hạn cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định?).

Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thời điểm căn cứ để xác định thời gian quá hạn.

Có thể bạn quan tâm

  • Sắp có hướng dẫn về xử lý nợ thuế

    22:26, 19/02/2020

  • “Việt Nam khó tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA thế hệ mới”

    13:30, 19/02/2020

  • Miễn trừ thuế chống bán phá giá cho hơn 82.000 tấn tôn màu

    15:48, 17/02/2020

Về xử phạt hành vi vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 Dự thảo xử phạt hành vi “từ chối, trì hoãn việc cung cấp hồ sơ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ, sổ kế toán liên quan đến nghĩa vụ thuế quá thời hạn 06 giờ làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế mà không có lý do chính đáng” trong khung phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Điểm a khoản 2 Điều 13 Dự thảo xử phạt hành vi “không cung cấp số liệu, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu trong thời gian kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế” trong khung phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Hành vi “từ chối việc cung cấp hồ sơ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ, sổ kế toán” cũng được xem là “không cung cấp số liệu, tài liệu, sổ kế toán”. Điểm a khoản 2 Điều 13 Dự thảo quy định cho cả hành vi thực hiện trong và ngoài thời hạn cơ quan nhà nước yêu cầu.

Như vậy, hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 và điểm a khoản 2 trên là chồng lấn và sẽ xảy ra hiện tượng, một hành vi có thể sẽ bị xử phạt theo hai khung phạt tiền khác nhau.

Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, VCCI đề nghị Ban soạn thảo loại trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 trong quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 Dự thảo.

Đỗ Huyền