Xóa sổ vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng (Bài 2): “Liều thuốc” kịp thời?
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP như “liều thuốc” kịp thời mà doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định mong ngóng.
Như DĐDN đã thông tin tại số báo 14 ra ngày 14/2/2020, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 ra đời thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP nhằm thắt chặt công tác quản lý xe “núp mác” hợp đồng, tạo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch trong hoạt động vận tải hành khách.
Tự điều chỉnh mình
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Vịnh – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Nguyên cho biết: Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ra đời rất kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển chung, cũng như nhu cầu đòi hỏi của thực trạng hoạt động vận tải trong xã hội hiện nay. Sau khi Nghị định được ban hành, Sở đã có những chỉ đạo trực tiếp đến các phòng, ban chuyên môn kiểm tra, rà soát, phối hợp tuyên truyền đến các đơn vị, doanh nghiệp liên quan.
Nghị định số 10/2020/NĐ-CP không chỉ thắt chặt hơn việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng mà còn tạo ra cơ sở, hành lang pháp lý đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, minh bạch trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.
Nhận định, đánh giá về những nội dung trong công tác quản lý chuyên môn mà Nghị định số 10/2020/NĐ-CP mang lại, ông Lê Hải Linh – Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái – Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên cho hay: “Nghị định 10/2020/NĐ-CP được ban hành đã và đang đáp ứng đúng những nhu cầu cấp thiết mà thực trạng kinh doanh vận tải hành khách hiện nay. Những điều chỉnh trong Nghị định mới đã tác động sâu, rộng hơn đến các doanh nghiệp hoạt động vận tải và các cơ quan quản lý. Bản thân những đối tượng chịu tác động (doanh nghiệp vận tải – PV) sẽ phải tự điều chỉnh và xây dựng kế hoạch phát triển sao cho phù hợp với những thay đổi mới mà Nghị định đã đề ra”.
Cũng theo ông Linh: Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 20 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định và 03 doanh nghiệp đang hoạt động theo dạng xe hợp đồng. Cho đến nay, đại đa số các doanh nghiệp đều chủ động và sẵn sàng áp dụng thực hiện theo đúng Nghị định đã đề ra. Một số khác trước những tác động thay đổi trong Nghị định cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ nhằm bám sát luật định, tự điều chỉnh hoạt động của chính mình.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp "lao đao" vì xe hợp đồng trá hình
15:40, 09/07/2019
Bộ GTVT tiếp tục đề xuất gắn mào ‘xe hợp đồng’ trên nóc taxi công nghệ
16:02, 17/04/2019
Thái Bình: Tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để "xe dù, bến cóc", xe hợp đồng trá hình
00:59, 14/12/2018
Bộ GTVT thêm nhiều quy định "quản" taxi công nghệ, xe hợp đồng điện tử phải báo cáo thông tin về hợp đồng trước khi vận chuyển
11:30, 23/10/2019
Liều thuốc “cứu cánh”…?
Việc xe “núp mác” hợp đồng phát triển rầm rộ trong nhiều năm qua đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định gặp ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó là thực trạng các “lốt” xe tuyến cố định liên tục giảm đầu xe vì thu nhập bất ổn.
Trao đổi với PV, ông Lê Sỹ Tiến – Giám đốc, Công ty CP vận tải hành khách Thái Nguyên cho biết: “Khi Nghị định 10/2020/NĐ-CP được ban hành, doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định chúng tôi như vớ được liều thuốc “cứu cánh” kịp thời. Nếu Nghị định không ra vào thời điểm này thì thực sự không biết còn bao nhiêu doanh nghiệp sẽ trụ lại được trong lĩnh vực vận tải tuyến cố định”.
Theo ông Tiến, trước khi vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng nở rộ, doanh nghiệp của ông có trên 100 đầu xe hoạt động tuyến cố định, tuy nhiên, cho tới nay con số đầu xe doanh nghiệp hoạt động chỉ còn hơn 50 chiếc. Mới nhất, trong năm 2019, bản thân Công ty CP vận tải hành khách Thái Nguyên cũng phải giảm 8 đầu xe trước sức ép bất ổn kinh tế mà xe “núp mác” hợp đồng tác động tới.
“Tôi mong muốn khi Nghị định 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, các cơ quan quản lý, các lực lượng chức năng vào cuộc triệt để. Chỉ có xóa sổ được vấn nạn xe “núp mác” thì các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định mới có điều kiện phát triển”, ông Tiến bày tỏ.