Bộ Giao thông Vận tải quyết định đặt thêm trạm BOT trên tuyến tránh Cai Lậy

Đỗ Huyền 25/02/2020 19:33

Bộ Giao thông Vận tải thống nhất chọn phương án đầu tư thêm một trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy để thu phí hoàn vốn cho dự án.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa thống nhất phương án đầu tư thêm một trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy để thu phí hoàn vốn cho Dự án đầu tư tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang (dự án BOT Cai Lậy).

Trạm BOT Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang.

Trạm BOT Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang.

Về phương án tài chính của dự án, Bộ GTVT cho biết, trước mắt triển khai thu phí và theo dõi doanh thu từng năm để có cơ sở đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo phương án tài chính của dự án. Bộ GTVT sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án thu phí đối với dự án BOT Cai Lậy.

Phương án được Bộ GTVT đưa ra cũng trùng với phương án được UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị lựa chọn tại Văn bản 130 ngày 26-8-2019: “Lập thêm một trạm trên tuyến tránh, thu cả hai trạm trên tuyến tránh và QL1 hiện hữu để hoàn vốn đầu tư dự án”.

Dự án đầu tư xây dựng QL1 qua thị xã Cai Lậy có chiều dài 38,5km, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.398 tỷ đồng, gồm hai hợp phần: Cải tạo, tăng cường mặt đường QL1 và xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy. Vị trí trạm thu phí hoàn vốn trên QL1 đặt tại khoảng Km1999+900 (QL1) nằm trong phạm vi dự án.

Tuy nhiên, từ khi trạm đi vào hoạt động, trạm đã bị tài xế tập trung phản đối, gây rối mất trật tự an toàn khu vực, khiến chủ đầu tư phải liên tục xả trạm. Đến ngày 14/8/2017, nhà đầu tư đã tạm dừng thu phí.

Sau đó, Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất phương án xử lý miễn giảm phí, đến 30-11-2017, trạm BOT Cai Lậy hoạt động trở lại, tuy nhiên tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp do sự phản ứng của nhiều tài xế. Từ ngày 4/12/2017, dự án BOT Cai Lậy đã phải tạm dừng thu phí đến nay.

Mới đây, Tổng cục đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đặt biển báo cấm xe tải từ 3 trục trở lên và xe khách từ 29 chỗ lưu thông vào thị xã Cai Lậy (ngoại trừ xe buýt), bắt buộc các phương tiện này phải lưu thông vào tuyến tránh. Đối với các đơn vị chuyên kinh doanh lúa gạo, kinh doanh vận tải đang hoạt động ở thị xã Cai Lậy thì cho những đơn vị này đăng ký, sau đó sở sẽ cấp giấy phép được lưu thông ra vào thị xã Cai Lậy.

Dự án BOT Cai Lậy (đầu tư, xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường QL1, đoạn từ km 1987+560 đến km 2014+000) do liên danh Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái và Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 làm chủ đầu tư. Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang là đơn vị quản lý, khai thác.

Có thể bạn quan tâm

  • BOT Cai Lậy sẽ thu phí như thế nào?

    16:22, 01/11/2019

  • Chưa thể phân luồng giao thông qua BOT Cai Lậy

    13:35, 01/11/2019

  • BOT Cai Lậy tiếp tục lùi ngày thu phí

    20:19, 22/03/2019

Tổng chi phí đầu tư dự án (có cập nhật kết luận của thanh tra, kiểm toán) là trên 1.380 tỷ đồng. Trong đó, tuyến tránh là hơn 680 tỷ đồng, phần tăng cường mặt đường QL1 là hơn 379 tỷ đồng, xây trạm thu phí trên 100 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng hơn 219 tỷ đồng.

Dự án khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2017, bắt đầu thu phí ngày 1/8/2017, sau đó gặp sự phản đối gay gắt nhiều lần, buộc phải xả trạm và dừng thu phí cho đến nay.

Đỗ Huyền