USC Interco sẽ bị phạt nếu không góp đủ số vốn 144.000 tỷ đồng đúng thời hạn
Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết trong tháng 1/2020, một doanh nghiệp đã đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD).
Con số này gây xôn xao trong dư luận bởi hiện nay cả nước mới chỉ có 5 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100.000 tỷ đồng. Số vốn điều lệ công ty mới thành lập đăng ký hiện ngang tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất là Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank cộng lại và thậm chí còn lớn hơn vốn điều lệ của Tập đoàn Viettel.
Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, đây là Công ty CP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco). Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính của doanh nghiệp này là kinh doanh bất động sản.
Doanh nghiệp này có trụ sở chính tại Số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện pháp luật là Trần Gia Phong, sinh năm 1979. Công ty này có 3 cổ đông, bao gồm ông Trần Gia Phong và bà Kim Thị Phương mỗi người góp 30%, tương ứng 43.200 tỷ đồng cùng ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 40%, tương ứng 57.600 tỷ đồng.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội khẳng định, có thể nói rằng thành lập doanh nghiệp mới ở Việt Nam với số vốn đăng ký đăng ký 144.000 tỷ đồng là một chuyện hiếm có, có thể nhiều người sẽ không tin vào những thành viên góp vốn trẻ tuổi này lại có một số tiền rất lớn đến vậy để góp vốn thành lập doanh nghiệp.
Là luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, ông Cường cho biết từ trước đến nay những doanh nghiệp tên tuổi, đình đám tại Việt Nam đều không phải doanh nghiệp giàu có, danh tiếng và uy tín ngay từ thời điểm đăng ký kinh doanh.
"Có rất nhiều doanh nghiệp có tên tuổi hiện nay lúc đầu cũng không phải là doanh nghiệp lớn, trong quá trình hoạt động kinh doanh số vốn điều lệ của họ sẽ tăng lên, tài sản của doanh nghiệp sẽ tăng lên trong quá trình hoạt động kinh doanh nếu như hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp có vốn đăng ký ban đầu hàng tỷ đô, thành viên góp vốn là những cá nhân trẻ tuổi, chưa có danh tiếng trên thương trường như vậy là rất hiếm. Nhưng dù gì thì đây là cũng là tinh thần đáng biểu dương nếu số tiền của các thành viên góp vốn là tiền sạch và có thật. Một doanh nghiệp với số vốn lớn thì sẽ có sân chơi rộng và có nhiều cơ hội để phát triển so với các doanh nghiệp khác. Sự việc thực hư thế nào thì các cơ quan chức năng sẽ giám sát để kích cầu hoạt động cho doanh nghiệp này cũng như kiểm soát những rủi ro cho những tổ chức, cá nhân khác...", ông Cường nói.
Tuy nhiên theo ông Cường, pháp luật quy định thời hạn góp vốn theo đăng ký là 90 ngày, nếu quá 90 ngày mà các thành viên không góp đủ vốn thì phải thay đổi lại đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp không thay đổi lại thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo Điều 28, Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thì hành vi vi phạm quy định về thành lập doanh nghiệp sẽ bị xử lý như sau: Vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với hành vi không chuyển đổi loại hình doanh nghiệp khi công ty không còn đủ số lượng thành viên, cổ đông tối thiểu theo quy định trong thời hạn 6 tháng liên tục; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động khi đã kết thúc thời hạn ghi trong Điều lệ mà không được gia hạn; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.
Có thể bạn quan tâm
Giảm phí, miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp: Rẻ nhưng có dễ thực hiện?
13:30, 02/09/2019
Vẫn phải... đăng ký doanh nghiệp
11:05, 17/08/2019
Nới hay thắt đăng ký doanh nghiệp?
21:25, 15/08/2019
Như vậy, với các thành viên không góp đủ vốn trong thời hạn cam kết nhưng doanh nghiệp không thông báo để thay đổi đăng ký doanh nghiệp thì sẽ bị phạt đến 20.000.000 đồng đồng thời buộc phải thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh với số vốn thực tế có thể góp của các thành viên theo quy định tại khoản 3, Điều 28, Nghị định số 50 nêu trên.
Đồng thời, theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp cũng phải khắc phục hậu quả, bằng cách đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn góp đối với hành vi vi phạm.
Luật sư Cường cũng cho biết, trong trường hợp tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập doanh nghiệp với số vốn lớn để che giấu các động cơ, mục đích không trong sáng trong các giao dịch, hợp đồng kinh tế thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.