Quy hoạch quỹ đất Hà Nội có “đi ngược” Luật Thủ đô?
Nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, Luật Thủ đô số 25/2012/QH13 ra đời.
Tuy nhiên, sau 8 năm đi vào thực tiễn nhiều bất cập vẫn đang tồn tại, nổi bật trong số đó là công tác quản lý đất đai
Khoản 4 Điều 15 Luật Thủ đô quy định: Quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và quỹ đất sau khi di dời cơ quan, đơn vị được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch. Nhưng trên thực tế, quỹ đất tại Hà Nội sau khi thực hiện việc di dời, hầu hết đều có dấu hiệu chuyển đổi mục đích đi “ngược” với quy định pháp luật.
Điểm mặt dự án…
Nhiều năm trở lại đây, dư luận chẳng còn xa lạ với hiện trạng một cơ quan, đơn vị được di dời theo Chủ trương giảm tải áp lực về dân số, giao thông, môi trường… tại nội đô thì ngay lập tức được thế vào đó bằng những dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán. Đơn cử như:
Tại số 82 đường Nguyễn Tuân, Thanh Xuân (Hà Nội) sau khi Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất được di dời đã mọc lên dự án Thống Nhất Complex với tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000 m2 từ cuộc bắt tay liên doanh giữa Công ty này và Công ty TNHH phát triển Bắc Việt. Dự án gồm 2 khối nhà chung cư cao 25 tầng, 552 căn hộ.
Ngoài ra, tại khu đất 3,7 ha số 90 Nguyễn Tuân, trước đây do một Xí nghiệp xe buýt thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) quản lý, sử dụng hay khu đất 2,2ha của Công ty cổ phần dệt Mùa Đông cũng được phủ lên bằng các dự án tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán.
Ngoài quận Thanh Xuân, thì tình trạng tương tự cũng được xảy ra trên quận Hai Bà Trưng với dự án Thăng Long Garden tại số 250 Minh Khai, bao gồm 2 tòa chung cư và 1 tòa văn phòng cho thuê được xây dựng trên diện tích 13.500 m2 sau di dời của Công ty cổ phần May Thăng Long.
Có thể bạn quan tâm
Hợp tác, hỗ trợ liên kết vùng từ tầm nhìn của Luật Thủ đô
15:38, 20/12/2019
Những dự án nào đang “phá nát” quy hoạch Hà Nội?
14:12, 03/06/2019
"Điệp khúc" điều chỉnh quy hoạch Hà Nội: Nguy cơ tiền lệ xấu
14:18, 10/01/2019
Có “đi ngược” Luật Thủ đô?
Trên thực tế, việc hậu di dời các cơ quan, đơn vị có mang lại hiệu quả? Khi mà, thay vì các nhà máy, xí nghiệp sản xuất,… lại mọc lên nhiều khu chung cư cao tầng, trung tâm thương mại dịch vụ, trong khi rất hiếm các công trình cây xanh, công viên, trường học được xây dựng theo đúng Chủ trương của Thủ tướng và Luật Thủ đô.
Và tại Báo cáo số 296/BC-CP ngày 19/7/2019 của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô cũng có nêu: Trong thi hành Luật Thủ đô, tiến độ di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất… thực hiện rất chậm; quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho Thành phố để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại Điều 15 Luật Thủ đô.
Vậy nên, thay vì giảm tải những áp lực mà Thủ đô đang hứng chịu thì hiện trạng trên tiếp tục tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội. Không chỉ có vậy, bên cạnh những áp lực còn tồn tại thêm một số hệ lụy…
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp - Giám đốc Cty luật HPVN khẳng định: “Những khu đất sau khi thực hiện di dời của các cơ quan, đơn vị sẽ không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bởi, khi di dời nhà máy, tức mục đích sử dụng quỹ đất này đã thay đổi, anh phải trả lại cho Nhà nước”.
Luật sư Hiệp cũng chia sẻ: Việc phê duyệt những dự án như vậy đang có sự nhầm lẫn bởi theo Luật Nhà ở đã quy định phải lựa chọn nhà đầu tư theo 3 phương án: Đấu giá sử dụng đất, đấu thầu hoặc chỉ định. Tuy nhiên, một số nơi lại lựa chọn áp dụng Điều 31 của Luật Đầu tư, tức chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước. Sự nhầm lẫn về luật pháp này đang kéo dài hàng chục năm nay, gây thất thoát, lộn xộn. Vì nhầm lẫn này nên đang mặc nhiên việc cổ phần hóa doanh nghiệp thì nghiễm nhiên người có cổ phần đó vẫn có quyền sở hữu khu đất vàng.
Trước thực trạng trên, liệu việc quy hoạch quỹ đất tại Hà Nội có đang “đi ngược” với Chủ trương và Luật Thủ đô? Thiết nghĩ, cần phải có một cái nhìn đúng để đảm bảo mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước.