Luật hóa quản lý hộ kinh doanh
Việc luật hoá quản lý hộ kinh doanh sẽ giải tỏa được điểm nghẽn pháp lý quan trọng và được xem là dấu ấn lập pháp lớn về doanh nghiệp của Quốc hội trong nhiệm kỳ này.
Sáng nay (23/3), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp 43 tiếp tục cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Báo Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu bài viết của TS Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại kỳ họp này.
“Hiện nay, dự thảo Luật Doanh nghiệp đã được Chính phủ trình ra Quốc hội. Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp. Một số ý kiến đề nghị đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp như Dự thảo của Chính phủ. Một số ý kiến khác đề nghị không quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp mà ban hành một luật riêng hoặc một nghị định riêng về hộ kinh doanh. Về vấn đề này, chúng tôi có một số ý kiến như sau:
Về tư cách chủ thể của hộ kinh doanh
Trước năm 2015, Bộ luật Dân sự của Việt Nam vẫn duy trì tư cách chủ thể của hộ gia đình và tổ hợp tác, độc lập với tư cách chủ thể của cá nhân và pháp nhân. Tuy nhiên, năm 2015, Quốc hội đã quyết định bỏ tư cách chủ thể của hộ gia đình và tổ hợp tác, chỉ còn duy trì tư cách chủ thể của cá nhân và pháp nhân theo Chương VI, từ Điều 101 đến Điều 104 của Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, hộ gia đình và tổ hợp tác sẽ được quy về các cá nhân và quan hệ đại diện giữa các cá nhân đó.
Như vậy, nếu như Luật Doanh nghiệp vẫn duy trì khái niệm hộ kinh doanh thì cần phải quy định về quan hệ giữa các cá nhân trong hộ kinh doanh và quan hệ đại diện giữa các cá nhân đó. Việc duy trì tư cách chủ thể của hộ kinh doanh nguyên trạng như hiện nay là mâu thuẫn, chồng chéo với pháp luật dân sự.
Vấn đề này cần được giải quyết sớm và phải giải quyết ở cấp văn bản luật mà không thể quy định ở cấp nghị định bởi đây là sự không thống nhất giữa hai văn bản luật là Bộ luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp. Hai văn bản đều do Quốc hội ban hành nên cần phải có sự thống nhất với nhau.
Phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp là luật quy định về các chủ thể kinh doanh gồm cá nhân kinh doanh (doanh nghiệp tư nhân) và pháp nhân kinh doanh (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, công ty cổ phần). Do hộ kinh doanh sẽ buộc phải quy về hình thức cá nhân kinh doanh hoặc pháp nhân kinh doanh để phù hợp với Bộ luật Dân sự nên việc đưa vào Luật Doanh nghiệp là hoàn toàn phù hợp.
Từ năm 1999, Luật Doanh nghiệp đã có quy định về hộ kinh doanh. Chính phủ đã có hướng dẫn về việc đăng ký hộ kinh doanh từ Nghị định 02/2000/NĐ-CP. Trải qua hai lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp các năm 2005, 2014 thì quy định này vẫn được duy trì và Chính phủ vẫn tiếp tục hướng dẫn việc đăng ký hộ kinh doanh. Như vậy, trải qua 20 năm, quy định về hộ kinh doanh vẫn tồn tại trong pháp luật về doanh nghiệp mà chưa có sự thay đổi nào đáng kể. Việc điều chỉnh tư cách chủ thể của hộ kinh doanh lần này và luật hoá các quy định hợp lý và ổn định trong nghị định của chính phủ suốt 1/4 thế kỷ qua để đưa vào Luật Doanh nghiệp sẽ giúp chuẩn hoá và tăng cường địa vị pháp lý của các hộ kinh doanh.
Nhu cầu đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp
Hiện nay, Nhà nước đã ban hành rất nhiều các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp dân doanh. Ví dụ như doanh nghiệp được hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại, được tư vấn pháp lý, phát triển nguồn nhân lực (theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa), được tạo điều kiện tham gia góp ý chính sách (theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Do không được coi là doanh nghiệp ,các hộ kinh doanh hiện nay không được thụ hưởng các chính sách này.
Thêm vào đó, rất nhiều quy định pháp luật hiện nay đang hạn chế quyền thương quyền của các hộ kinh doanh. Ví dụ, hộ kinh doanh chỉ được tuyển dụng không quá 10 lao động, chỉ được hoạt động tại một địa điểm. Một số quy định pháp luật khác cũng chỉ cho phép các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh, như pháp luật về xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của nhiều lĩnh vực không cấp cho hộ kinh doanh… Đây là những hạn chế vô lý, bất bình đẳng với hộ kinh doanh khiến cho hộ kinh doanh khó phát triển.
Về nội dung quy định pháp luật về hộ kinh doanh
Pháp luật doanh nghiệp bao gồm hai chế định lớn, điều chỉnh hai nhóm quan hệ xã hội của doanh nghiệp:
Thứ nhất, mối quan hệ giữa các thành viên, đơn vị trong nội bộ doanh nghiệp đó như quan hệ giữa các cổ đông, thành viên góp vốn, hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc, hội đồng thành viên, ban kiểm soát, công ty…
Thứ hai, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các chủ thể bên ngoài như với Nhà nước, với người lao động, với đối tác…
Bản chất của hộ kinh doanh được quy về các cá nhân và quan hệ đại diện giữa các cá nhân thì nhóm quan hệ xã hội thứ nhất sẽ không còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Đối với nhóm quan hệ xã hội thứ hai thì chỉ còn nội dung về đăng ký hộ kinh doanh, quyền và nghĩa vụ chung của hộ kinh doanh, các thủ tục đăng ký lại, giải thể, tạm ngừng hoạt động, chuyển đổi hộ kinh doanh. Như vậy, nếu xây dựng một đạo luật riêng về hộ kinh doanh thì đạo luật này sẽ bao gồm:
- Một vài điều về quyền và nghĩa vụ chung của hộ kinh doanh
- Một vài điều về tư cách chủ thể của hộ kinh doanh và quan hệ giữa các cá nhân trong hộ kinh doanh
- Một vài điều về đăng ký, đăng ký lại, giải thể, tạm ngừng hoạt động, chuyển đổi hộ kinh doanh
Với không nhiều nội dung như vậy thì việc xây dựng một đạo luật riêng là không cần thiết mà hoàn toàn có thể tích hợp làm một chương trong Luật Doanh nghiệp như phương án Chính phủ trình. Hơn nữa, việc xây dựng luật riêng đòi hỏi thời gian kéo dài, trình tự thủ tục phức tạp, không kịp thời đáp ứng nhu cầu tháo bỏ rào cản và hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, cũng như không kịp thời tháo bỏ sự thiếu nhất quán trong hệ thống pháp luật.
Liên quan đến pháp luật quản lý thuế
Luật Quản lý thuế hiện hành vẫn có quy định riêng đối với hộ kinh doanh và cho phép hộ kinh doanh được hưởng thuế khoán. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế năm 2019 đã giải quyết vấn đề này tương đối rõ ràng, triệt để:
Thứ nhất, Điều 30.3.e của Luật Quản lý thuế 2019 đã quy định mã số thuế cấp cho hộ kinh doanh chính là mã số thuế cấp cho cá nhân đại diện hộ kinh doanh. Như vậy, Luật Quản lý thuế đã quy tư cách chủ thể của hộ kinh doanh về cá nhân kinh doanh. Đây cũng là thực tiễn áp dụng từ nhiều năm nay của ngành thuế.
Thứ hai, Điều 51.5 của Luật Quản lý thuế 2019 đã quy định Hộ kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ thì không được hưởng thuế khoán mà phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai. Như vậy, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp không phải là bắt các hộ kinh doanh phải kê khai và nộp thuế như doanh nghiệp. Các hộ kinh doanh dưới 10 lao động, và có vốn dưới 3 tỷ, và có doanh thu dưới 3 tỷ trong lĩnh vực sản xuất hoặc dưới 10 tỷ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì vẫn được hưởng thuế khoán như bình thường.
Như vậy, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ phù hợp với pháp luật về thuế và không tạo ra biến động về thuế đối với các hộ kinh doanh này.
Thậm chí, nếu xét về thuế, các hộ kinh doanh sẽ được hưởng lợi về thuế hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác. Vì hộ kinh doanh chỉ phải chịu thuế thu nhập cá nhân, còn doanh nghiệp khác phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và khi chia cổ tức cho mỗi cá nhân thì lại tiếp tục phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, hộ kinh doanh chỉ phải chịu một lần thuế trong khi doanh nghiệp khác phải chịu hai lần.
Thông lệ quốc tế
Thông lệ pháp luật về doanh nghiệp của các nước trên thế giới không có quy định riêng về hộ kinh doanh mà chỉ xác định chủ thể kinh doanh dưới hình thức cá nhân hoặc pháp nhân, mà hộ kinh doanh thông qua vai trò của cá nhân chủ hộ là một đối tượng điều chỉnh. Nếu Việt Nam chủ trương xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh thì sẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có đạo luật về vấn đề này. Cũng không nên quan niệm rằng có thể xây dựng luật về hộ kinh doanh riêng tương tự như Luật Hợp tác xã vì nhiều nước có Luật Hợp tác xã nhưng không đâu có Luật về hộ kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
Cần “tấm áo” pháp lý mới cho hộ kinh doanh
11:02, 22/03/2020
TS. Vũ Tiến Lộc: “Đừng để hộ kinh doanh bị bỏ lại phía sau”
15:00, 20/11/2019
Lợi ích kép khi đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp
05:05, 20/11/2019
Kiến nghị
Những phân tích trên cho thấy, việc đưa chế định về hộ kinh doanh, thực chất là một loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ trong nền kinh tế, vào Luật Doanh nghiệp với những điều chỉnh như đề xuất ở trên là phương án phù hợp nhất và có thể làm ngay trong kỳ họp tới đây để vừa tạo sự thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự, phù hợp với thực tiễn nước ta và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh được phát triển một cách lành mạnh, hiệu quả, đóng góp cho nền kinh tế.
Quy định này cũng thống nhất với pháp luật về quản lý thuế, không gây khó khăn, thậm chí tạo điều kiện thuận lợi hơn về thuế cho các hộ kinh doanh.
Do đó, chúng tôi đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội cân nhắc, xem xét đưa quy định về hộ kinh doanh vào trong dự thảo Luật Doanh nghiệp.
Việc luật hoá hộ kinh doanh sẽ giải tỏa được một điểm nghẽn pháp lý quan trọng và được xem là dấu ấn lập pháp lớn về doanh nghiệp của Quốc hội nước ta trong nhiệm kỳ này".