Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ (Kỳ 2): Bộ GTVT giao quyền cho CIPM là đúng quy định?
"Tổng công ty Cửu Long (CIPM) là doanh nghiệp Nhà nước, trực thuộc Bộ GTVT. Do đó, việc giao CIPM quản lý dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật".
Đó là khẳng định của ông Vũ Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (vụ PPP - Bộ GTVT), với báo chí liên quan tới việc Bộ GTVT giao quyền và nhiệm vụ chủ đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hệ thống giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long).
Phù hợp …
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Tổng công ty Cửu Long là doanh nghiệp Nhà nước, trực thuộc Bộ GTVT, có chức năng quản lý dự án, hoạt động như một Ban Quản lý dự án chuyên ngành. Do đó, việc giao Tổng công ty Cửu Long quản lý dự án Mỹ Thuận-Cần Thơ là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.
Cũng theo ông Vũ Tuấn Anh, năm 1994, để thực hiện công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án cầu Mỹ Thuận, Bộ GTVT đã thành lập Ban Quản lý dự án (QLDA) cầu Mỹ Thuận, đồng thời quản lý một số dự án khác. Để phù hợp với nhiệm vụ, phạm vi quản lý dự án, năm 1995, Bộ GTVT đã đổi tên Ban QLDA cầu Mỹ Thuận thành Ban QLDA Mỹ Thuận.
"Và thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về thí điểm chuyển đổi mô hình từ đơn vị sự nghiệp sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng Đề án thành lập Tổng công ty Cửu Long trên cơ sở chuyển đổi Ban QLDA Mỹ Thuận và sáp nhập một số đơn vị thuộc Bộ GTVT tại khu vực phía Nam. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, ngày 20/7/2011, Bộ GTVT đã có Quyết định số 1589/QĐ-BGTVT thành lập Tổng công ty Cửu Long trên cơ sở chuyển đổi Ban QLDA Mỹ Thuận và một số công ty phía nam, tổ chức và hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con", ông Anh nói.
Có thể bạn quan tâm
Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ: Bất ngờ trước quyết định giao quyền chủ đầu tư của Bộ GTVT?
16:00, 08/04/2020
Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận: Thực hư chất lượng nguồn vật liệu đầu vào tại gói thầu XL10?
04:19, 04/04/2020
Cao tốc đường bộ Bắc-Nam: “Soi” năng lực các “ông lớn” quốc phòng
11:10, 30/03/2020
“Bê bối” cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Bộ GTVT ra “tối hậu thư” với VEC
00:58, 25/03/2020
Theo ông Anh, quyết định thành lập Tổng công ty Cửu Long có chức năng quản lý các dự án công trình hạ tầng giao thông, có trách nhiệm kế thừa các quyền, nhiệm vụ và nghĩa vụ hợp pháp của Ban QLDA Mỹ Thuận theo quy định của pháp luật, thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư các dự án Ban QLDA Mỹ Thuận đang quản lý.
Và trong hơn 25 năm hình thành và phát triển, Ban QLDA Mỹ Thuận và nay là Tổng công ty Cửu Long đã thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức quản lý dự án các dự án lớn do Bộ GTVT giao, đưa vào sử dụng các dự án lớn đảm bảo tiến độ chất lượng, góp phần vào sự phát triển hệ thống hạ tầng giao thông khu vực phía Nam.
Do đó, Tổng Công ty Cửu Long là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ GTVT, có chức năng quản lý dự án hoạt động như một Ban QLDA chuyên ngành nên việc giao Tổng công ty Cửu Long quản lý dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật và để phát huy được thế mạnh kinh nghiệm quản lý thành công các dự án giao thông lớn của Tổng Công ty Cửu Long, sớm đưa dự án vào khai thác.
… và , đúng quy định
Như vậy, căn cứ theo quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ quy định “Bộ, ngành được giao cho tổ chức, đơn vị thuộc bộ, ngành mình thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị dự án bao gồm tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định này và pháp luật về đấu thầu”.
"Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng có quy định: Trường hợp Bộ GTVT đã có doanh nghiệp trực thuộc có chức năng quản lý dự án, người quyết định thành lập Ban Quản lý dự án căn cứ điều kiện cụ thể để xem xét, chuyển đổi mô hình hoạt động của doanh nghiệp hoặc bổ sung chức năng của Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực để đảm nhận việc quản lý các dự án thuộc phạm vi quản lý của mình. Bên cạnh đó, quyết định giao nhiệm vụ mới ở mức độ chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị Dự án, nội dung này được quy định tại nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Tổng Công ty Cửu Long đang thực hiện vai trò như một Ban Quản lý dự án là phù hợp" – ông Anh khẳng định.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại, CIPM Cửu Long là đơn vị đang vướng phải hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng, nhiều lãnh đạo đang bị khởi tố điều tra do liên quan đến việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương; Dính líu đến Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh của Đinh Ngọc Huệ (tức “Út trọc”).
Vụ việc được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt tạm giam các bị can, gồm: Dương Tuấn Minh - nguyên Tổng giám đốc, Dương Thị Trâm Anh - nguyên Phó Tổng giám đốc, Nguyễn Thu Trang - nguyên Phó Phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu Tổng công ty Cửu Long. Các bị can này bị khởi tố trong quá trình Bộ Công an điều tra vụ án "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Đáng chú ý, cuối năm 2019, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương “kết thúc mô hình thí điểm và chấm dứt hoạt động của Tổng công ty Cửu Long để thành lập PMU Mỹ Thuận trực thuộc Bộ GTVT”. Thế nhưng mới đây, Bộ GTVT lại tiếp tục giao quyền cho CIPM làm chủ đầu từ là hết sức nhạy cảm và khó hiểu.
(Kỳ 3) Vội vàng và nhạy cảm…?