DDCI - Động lực trong cải cách thủ tục hành chính
Cải cách thủ tục hành chính là bước đệm cho phát triển chung của toàn xã hội, tuy nhiên, nếu muốn khách quan, minh bạch cần phải áp dụng triệt để việc đưa bộ chỉ số DDCI vào các địa phương.
DDCI là gì? Đây là bộ công cụ đánh giá năng lực điều hành cấp Sở, ban ngành và địa phượng trong tỉnh, thành phố một cách độc lập, khách quan từ cộng đồng doanh nghiệp. Hay nói một cách khác, đây là bộ chỉ số đánh giá tính cạnh tranh giữa các Sở, ban ngành và địa phương do các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố chấm điểm, đánh giá.
Trong nhiều năm qua, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư luôn là ưu tiên hàng đầu của mỗi tỉnh, thành phố, địa phương trên cả nước. Điều này thể hiện ở sự nỗ lực cải cách các thủ tục hành chính, thái độ lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân địa phương để hoàn thiện hệ thống văn bản điều hành, nâng cao sức hấp dẫn của từng tỉnh, thành đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn chỉ mức khẩu hiệu. Các Nghị quyết của cấp tỉnh, thành phố chưa có "sức ép" lên các Sở, ban, ngành và địa phương phải quyết liệt hành động. Bộ chỉ số DDCI sẽ hối thúc các cơ sở hành động, sáng tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ công, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp.
Vậy, từ đâu mà các chỉ số DDCI lại có thể hối thúc các đơn vị hành động thực sự thay vì mãi sống trong khẩu hiệu?
Bởi, DDCI là chỉ số đánh giá khách quan mức độ hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính các đơn vị của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh hàng năm, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của nhiều lĩnh vực.
Việc các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia đánh giá chỉ số DDCI là thể hiện vai trò giám sát hệ thống chính quyền về thái độ, chất lượng dịch vụ hành chính công của các địa phương. Cơ sở đưa ra bộ chỉ số DDCI gồm những chỉ số thành phần là: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và vai trò của người đứng đầu…
Có thể bạn quan tâm
Hàng hóa tại các cửa khẩu ở Cao Bằng xuất hiện tình trạng ùn ứ
15:10, 16/04/2020
Có hay không việc ưu ái cho doanh nghiệp “ruột” trúng thầu?
05:20, 15/04/2020
Thu hồi 2 lô "đất vàng" của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
11:17, 10/04/2020
Doanh nghiệp có đang bị “móc túi” ở các cửa khẩu Lạng Sơn?
10:30, 11/04/2020
Như vậy, việc áp dụng triệt để đưa bộ chỉ số DDCI vào các địa phương sẽ tạo nên một hình ảnh thân thiện của chính quyền địa phương đối với cộng đồng doanh nghiệp; cung cấp cho lãnh đạo tỉnh, thành phố một công cụ hiệu quả để giám sát và chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành đối với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. Giúp lãnh đạo tỉnh xác định những thực tiễn tốt trong cải cách hành chính tại các đơn vị trực thuộc và UBND cấp huyện, hỗ trợ lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị cải thiện hiệu quả hoạt động của đơn vị mình; hướng tới tạo sự cạnh tranh, thi đua lành mạnh giữa các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong việc cải thiện mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại mỗi đơn vị.
Bên cạnh đó, sẽ tạo ra một kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia góp ý kiến đối với chính quyền địa phương và các sở, ngành,… tìm ra những trở ngại, những nút thắt, những điểm nghẽn liên quan trực tiếp đến năng lực điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại các đơn vị.
Từ những cơ sở thiết thực trên, một số địa phương như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Phú Yên, Ninh Thuận, Thanh Hóa... đã triển khai bộ chỉ số DDCI trên địa bàn và bước đầu đạt được những thành quả trong cải cách thủ tục hành chính, tạo tiền đề thu hút đầu tư cũng như phát triển hoạt động của các doanh nghiệp sở tại.