[DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH TTHC] Đã đến lúc kết thúc "sứ mệnh lịch sử" của hộ khẩu

Gia Nguyễn 19/04/2020 16:11

Cách quản lý hộ khẩu hiện nay đang tạo sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng xã hội vì vậy Dự thảo Luật Cư trú với quy định bỏ sổ hộ khẩu được coi là một "cuộc cách mạng" trong quản lý.

Trong dự thảo Luật Cư trú, Bộ Công an đề xuất sửa đổi Luật Cư trú theo hướng bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú để quản lý dân cư thông qua hình thức mã số định danh cá nhân.

dfgsdfb

Việc sửa đổi Luật Cư trú nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ của công dân

Xu hướng thời đại

Cụ thể, khi bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân như: Tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu...

Không chỉ có vậy, theo tính toán của Bộ Công an, nếu bỏ hộ khẩu giấy sẽ giúp tiết kiệm 1.600 tỷ đồng mỗi năm. Việc sử dụng mã số định danh cá nhân cũng sẽ giúp tiết kiệm gần 300 tỷ đồng chi phí làm sổ bảo hiểm.

Thực tế hiện nay, công dân khi tham gia các giao dịch hoặc thủ tục hành chính phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như: sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe, thậm chí học sinh phải có giấy khai sinh... Khi quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân, các loại giấy tờ trên sẽ không còn phải mang theo trong giải quyết thủ tục hành chính nữa.

Theo lãnh đạo Bộ Công an, khi dự án cơ sở dữ liệu quốc gia đi vào vận hành, công dân khi đến các cơ quan nhà nước để giải quyết TTHC chỉ cần đưa ra 3 thông tin cơ bản, gồm: họ, tên; mã số định danh và chỗ ở. Lúc đó, công dân không cần xuất trình các loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh...

Đây có thể là một tin vui cho gần 100 triệu dân trước việc những lời kêu gọi “bỏ hộ khẩu” thỉnh thoảng lại vang lên rồi chìm nghỉm như “đá ném ao bèo”. Những động thái của Chính phủ về đơn giản thủ tục hành chính, cũng như tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, dù chưa đạt được kỳ vọng như nhân dân mong đợi, cũng lóe lên những tia hy vọng.

Bởi sẽ khó có thể đong đếm cụ thể những lợi ích khi hộ khẩu “hết thời” mà chỉ có thể nói rằng: lợi ích đó là rất lớn. Phía nhà nước, mà cụ thể là Bộ Công an, sẽ tinh giản được biên chế và song song với nó là chiến lược cải cách tiền lương sẽ có tính khả thi cao hơn. Những tiêu cực hoặc bất cập do hộ khẩu gây ra sẽ nhanh chóng được dẹp bỏ.

Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội ngày 17/4, các đại biểu cũng nhận định: phương thức quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân mà còn góp phần bảo đảm quản lý công dân chặt chẽ, thực chất, khắc phục nhiều bất cập trong quản lý dân cư ở nước ta hiện nay. Đây là phương thức quản lý cư trú hiện đại dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với xu thế phát triển được một số quốc gia trên thế giới áp dụng. 

Đã hết giá trị lịch sử

Cuốn sổ hộ khẩu từ lâu đã gắn chặt với sinh mệnh và cuộc sống của mỗi con người. Dường như đụng đến bất cứ việc gì cũng cần có sổ hộ khẩu: hợp đồng điện nước, xin học, mua đất, mua nhà, đăng ký xe cộ, khai sinh, khai tử, thành lập doanh nghiệp, kết hôn, ly hôn…

Mỗi khi chuyển nơi sinh sống, việc hệ trọng nhất là cắt chuyển hộ khẩu. Mà không phải ai, lúc nào cũng được đăng ký hộ khẩu. Cuốn sổ hộ khẩu đã trở thành rào cản đối với bao người muốn tìm kiếm cơ hội việc làm, mưu sinh, lập nghiệp nơi thành phố. Và rồi để có được cuốn sổ hộ khẩu họ đành phải quỵ lụy nhờ vả, chấp nhận tiêu cực phí không ít.

Nhận định về đề xuất xóa bỏ quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty luật HPVN (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Việc ứng dụng công nghệ điện tử trong quản lý dữ liệu cá nhân, dữ liệu quốc gia về dân cư là cần thiết và phù hợp với xu hướng hội nhập phát triển công nghệ hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cho thấy sự thống nhất mục tiêu với Luật Căn cước công dân 2014, ban hành ngày 20/11/2014.

Cũng theo Luật sư Hiệp, chúng ta đang ở trong thời kỳ hội nhập phát triển và kỷ nguyên công nghệ 4.0, rất nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ số trong quản lý dữ liệu quốc gia, đem lại nhiều lợi ích trong việc dễ dàng kết nối, quản lý, kiểm soát thông tin cá nhân. Không chỉ có vậy, việc áp dụng công nghệ trong quản lý dân cư sẽ đảm bảo được chức năng quản lý của cơ quan nhà nước và đơn giản hóa được thủ tục hành chính. Từ đó, cũng hạn chế sự lạm quyền, sách nhiễu trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, tạo nhiều thuận lợi cho người dân.

“Việc ứng dụng công nghệ điện tử trong quản lý các thông tin cá nhân sẽ làm giảm bớt các thủ tục hành chính cũng như chi phí mà người dân hiện nay đang phải chi trả. Tuy nhiên, cần lưu ý đến các biện pháp nhằm bảo mật thông tin cá nhân để người dân an tâm hơn” - Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • [DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH TTHC] Doanh nghiệp "khó thở" với quy trình 5 bước triển khai dự án nhà ở

    06:00, 16/04/2020

  • [DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH TTHC]: Gỡ "khó khăn kép" cho nhà ở xã hội

    17:00, 15/04/2020

  • Bộ Công an đề xuất thêm 5 trường hợp bị xoá hộ khẩu

    09:00, 28/03/2020

  • Bỏ sổ hộ khẩu dưới góc nhìn kinh tế

    14:13, 22/10/2018

  • Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Cách mạng 4.0 về quản lý dân cư

    04:00, 22/10/2018

  • Năm 2020 đủ điều kiện để bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy

    01:46, 18/10/2018

  • Bỏ sổ hộ khẩu giấy: "Số hóa" quản lý dân cư

    05:42, 14/04/2018

  • Hộ khẩu hay cổ tích?

    13:07, 07/04/2018

Đồng quan điểm, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc ứng dụng công nghệ điện tử trong quản lý dữ liệu cá nhân, dữ liệu quốc gia về dân cư là cần thiết và phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ hiện nay.

Đến thời điểm này, rất nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ số trong quản lý dữ liệu quốc gia, đem lại nhiều lợi ích trong việc dễ dàng kết nối, quản lý, kiểm soát thông tin cá nhân.

Theo luật sư Cường, việc áp dụng công nghệ trong quản lý dân cư vẫn đảm bảo được chức năng quản lý của cơ quan nhà nước và đơn giản hóa được thủ tục hành chính.

Không phải các cơ quan quản lý nhà nước không nhìn ra những bất cập ấy, nhưng hình như có sự trì trệ trong thay đổi tư duy và cách thức xây dựng hạ tầng quản lý xã hội. Công nghệ thông tin, kinh tế số đang đem lại những tiện ích không chỉ trong kinh doanh, mà còn thúc đẩy các phương thức quản lý nhà nước phải thay đổi toàn diện. Đành rằng sự thay đổi nào cũng phải trả giá, nhưng cái giá của lợi ích chung hay những cá nhân vốn đang hưởng lợi từ sự “lạc hậu” mang lại cũng là thực tế còn tranh chấp.

Bởi sẽ khó có thể đong đếm cụ thể những lợi ích khi hộ khẩu “hết thời” mà chỉ có thể nói rằng: lợi ích đó là rất lớn. Và đương nhiên, người dân sẽ được lợi nhiều nhất khi những quyền cơ bản được triệt để tôn trọng và những nhu cầu thiết thân sẽ không còn trải qua những “đoạn trường”. 

Và suy cho cùng, đã đến lúc kết thúc sứ mệnh lịch sử của hộ khẩu!

Năm 2020 xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Trong dự thảo Luật Cư trú, Bộ Công an cũng kiến nghị lựa chọn giải pháp thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú là phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bộ Công an cho biết hiện nay, việc tổ chức triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt nhiều kết quả quan trọng như: hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai dự án; xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TP.HCM; tổ chức cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân tại 16 tỉnh, thành phố và phối hợp với Bộ Tư pháp cấp hơn 900.000 số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh tại 18 địa phương...

Ngoài ra, ngành công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống tàng thư chứng minh nhân dân với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu.

Bộ Công an đánh giá việc triển khai đồng bộ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi đồng thời có thể tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu này.

Gia Nguyễn