Dự thảo Luật về PPP: “Kiểm toán tận 4 khâu thì nhà đầu tư hoảng lắm”
Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật về PPP) tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều về hoạt động kiểm toán nhà nước đối với dự án PPP.
Sáng 20/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần hai dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Về kiểm toán các dự án PPP, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước tại dự thảo gồm: kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP. Hai, kiểm toán việc sử dụng vốn Nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có). Ba, kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP. Bốn, kiếm toán khi chuyển giao cho Nhà nước, thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP.
Do đặc thù dự án PPP cũng là tài sản công nên Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng Kiểm toán Nhà nước tham gia kiểm toán dự án này hoàn toàn hợp lý. Nhưng ông lưu ý, quy định quá chặt khi kiểm toán tận 4 khâu thực hiện dự án sẽ khiến "nhà đầu tư phát hoảng, chỉ cân nhắc xem kiểm toán khâu nào cho phù hợp".
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nói ông rất băn khoăn "vì quy định kiểm toán dự án PPP quá chặt, phức tạp, nhà đầu tư sẽ phân vân".
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng nên quy định theo hướng cởi mở hơn, chứ “kiểm toán 4 đoạn như thế này thì khá là phức tạp, nhà đầu tư e ngại lắm”. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, phải kiểm toán, vì PPP cũng là tài sản công, nhưng sẽ cân nhắc xem kiểm toán ở khâu nào cho phù hợp, “không làm nhà đầu tư phát hoảng”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh, UBTVQH đề nghị Dự án Luật cần đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là phải tương thích với pháp luật về đầu tư công, ngoài ra cần có những quy định đặc thù để thu hút đầu tư.
“Các dự án PPP phải nằm trong kế hoạch đầu tư công, chứ không thì phá vỡ hết cân bằng ngân sách. Bên cạnh đó, cần hạn chế việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, và phải có trần tối đa, tránh tình trạng điều chỉnh quy mô lên 2,3 lần, thậm chí đến 10 lần như một số dự án đầu tư công vừa qua, làm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thì lưu ý, trong bối cảnh Quốc hội chuẩn bị xem xét thông qua các Hiệp định EVFTA và EVIPA, việc xây dựng luật này phải hài hoà với các cam kết quốc tế; tránh tình trạng vừa ban hành lại phải sửa đổi…
Tại phiên họp lần trước, nêu ý kiến về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, bản chất dự án PPP nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công - tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án và đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật PPP và pháp luật có liên quan.
Có thể bạn quan tâm
Cơ chế chia sẻ rủi ro dự án PPP được điều chỉnh thế nào?
13:30, 20/04/2020
Dự thảo Luật về PPP: Có nên áp sàn quy mô dự án PPP?
12:28, 20/04/2020
Kiểm toán dự án PPP làm khó doanh nghiệp?
11:45, 03/04/2020
Do đó, cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP.
Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán nhà nước quy định Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ vướng với quy định của Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước.
Ngoài ra, theo khuyến nghị của Hiệp hội Kiểm toán tối cao quốc tế, đối với tài liệu liên quan của bên đối tác tư nhân, KTNN chỉ được tiếp cận nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng dự án PPP mà không đương nhiên có quyền tiếp cận như đối với tài liệu của bên đối tác là khu vực công. Nếu không quy định phù hợp sẽ dẫn tới trường hợp xảy ra tranh chấp với nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, việc giải quyết tranh chấp rất phức tạp.
Theo chương trình, dự thảo Luật PPP sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5 tới.