Áp lực EVFTA đến từ công cụ phòng vệ thương mại
Khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU tăng nhanh, điều này sẽ dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc phòng vệ thương mại giữa hai bên.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực.
-Phòng vệ thương mại (PVTM) có ý nghĩa quan trọng như thế nào với nền kinh tế, đặc biệt là EVFTA đã chính thức được Hội đồng châu Âu quyết định phê chuẩn vào ngày 30/3/2020, sẽ có hiệu lực thực thi sau khi được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và sau 30 ngày kể từ khi hai bên hoàn thành các thủ tục thông báo cho nhau, thưa ông?
Các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) được WTO và các Hiệp định FTA cho phép sử dụng để chống lại các hành vi cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế (hàng nhập khẩu bán phá giá hoặc được trợ cấp) cũng như ngăn chặn việc hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước. Đây là công cụ quan trọng, hợp pháp để “bảo vệ” các ngành sản xuất, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo các cam kết quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại kì họp thứ 9, QH khóa XIV
20:16, 02/04/2020
Thủ tục cuối cùng với EVFTA đã được Hội đồng châu Âu thông qua thủ tục
17:36, 31/03/2020
Hội đồng châu Âu chính thức thông qua thủ tục cuối cùng về EVFTA
14:36, 31/03/2020
"Đường cao tốc" EVFTA: Doanh nghiệp có tìm được đường vào?
05:20, 24/03/2020
“Dù rất cố gắng nhưng có những cam kết trong EVFTA, CPTPP… chúng tôi không giải thích được”
15:27, 23/03/2020
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) như ASEAN, ASEAN+ và gần đây nhất là EVFTA, các biện pháp phòng vệ thương mại đã và đang ngày càng đóng vai trò tích cực đối với nền kinh tế cũng như các ngành sản xuất, doanh nghiệp trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Với các Hiệp định FTA có mức độ cắt giảm thuế quan rất cao, nhưng EVFTA thì áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam hay thậm chí là các doanh nghiệp EU trong một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn, do vậy nhu cầu sử dụng các công cụ PVTM cũng sẽ tăng.
-Ông có thể cho biết, hiện nay EVFTA đã đề cập đến những khía cạnh nào của phòng vệ thương mại?
Chương về các biện pháp phòng vệ thương mại tại Hiệp định EVFTA bao gồm các điều khoản liên quan đến việc sử dụng các công cụ PVTM truyền thống trong WTO. Về cơ bản, nội dung PVTM dựa trên các quy định của WTO, đồng thời bổ sung các nguyên tắc mang tính tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật về PVTM của Việt Nam, giúp cho nền kinh tế, các ngành sản xuất trong nước có công cụ “phòng vệ” hợp pháp, tiến bộ, đảm bảo hiệu quả của việc tham gia Hiệp định.
Các điểm mới về PVTM trong EVFTA:
Thứ nhất, bổ sung các quy định giới hạn việc sử dụng các công cụ này để tránh lạm dụng và đảm bảo công bằng, minh bạch. Các quy định này tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Thứ hai, EVFTA quy định nguyên tắc áp dụng mức thuế thấp hơn, tức là thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại (trong khi WTO không bắt buộc sử dụng quy tắc này). Một điểm đáng lưu ý là theo cam kết EVFTA, hai bên sẽ không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu việc này không phù hợp với lợi ích chung (tức là bên cạnh việc xem xét tình hình của ngành sản xuất trong nước, thì nước điều tra cũng cần xem xét tình hình, quan điểm của nhà nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức đại diện người tiêu dùng và các doanh nghiệp hạ nguồn).
Thứ ba, EVFTA cũng quy định về cơ chế tự vệ song phương, để đảm bảo việc cắt giảm thuế quan theo Hiệp định không gây ra các cú “sốc” đối với các ngành sản xuất trong nước, Hiệp định EVFTA quy định cơ chế tự vệ song phương trong thời gian chuyển đổi là 10 năm, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo được quyền lợi của các bên được sử dụng công cụ tự vệ chính đáng trong việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước nếu có thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại do việc cắt giảm thuế quan từ Hiệp định.
-Việt Nam đã và đang thực hiện các biện pháp gì để phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại, từ đó đảm bảo môi trường thương mại công bằng cũng như hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, thưa ông?
Để phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam đã thực hiện nhiều công việc cần thiết và đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, về mặt thể chế, Chính phủ, Bộ Công Thương đã thành lập Cục Phòng vệ thương mại chuyên trách các hoạt động về lĩnh vực phòng vệ thương mại để có điều kiện triển khai mạnh mẽ hoạt động này hơn so với giai đoạn trước đó. Cơ quan điều tra cũng ngày càng được kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức để đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả.
Về mặt cơ sở pháp lý, với sự ra đời của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn về các biện pháp phòng vệ thương mại (Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại và Thông tư 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại), Việt Nam đã hoàn thiện tương đối đầy đủ cơ sở pháp lý cho các hoạt động điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 19/TT-BCT ngày 30/9/2019 quy định về áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định CPTPP và dự kiến sẽ tiếp tục xem xét ban hành các Thông tư hướng dẫn về việc áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực trong tương lai như EVFTA.
Về công tác điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại, cho đến nay Việt Nam đã khởi xướng điều tra 9 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc lẩn tránh biện pháp tự vệ. Số lượng vụ việc trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Sự gia tăng các vụ việc không chỉ thể hiện mức độ cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa trong nước mà còn cho thấy năng lực của doanh nghiệp trong việc chủ động lựa chọn sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng. Với những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tư vấn cho cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội, mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về các biện pháp phòng vệ thương mại trong những năm gần đây đã có nhiều cải thiện.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp liên quan triển khai các hoạt động ứng phó với gần 160 các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, qua đó bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của ta, trong đó có các ngành quan trọng như thủy sản (tôm, cá tra), nông sản, thép, gỗ…
Tóm lại, trong những năm gần đây, Việt Nam đã triển khai tích cực, có hiệu quả hiệu quả nhằm phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại, góp phần nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
-Theo ông, khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực, phòng vệ thương mại của Việt Nam sẽ gặp phải những khó khăn gì?
Khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực, thương mại hàng hóa giữa hai nước sẽ gia tăng do đại đa số các dòng thuế nhập khẩu sẽ được đưa về mức 0%. Từ đó, có thể dự đoán rằng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU sẽ tăng nhanh, dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc phòng vệ thương mại giữa hai bên (để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu).
Việc thực thi Hiệp định EVFTA đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định, kể cả các quy định về PVTM để có thể chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà Hiệp định đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Bên cạnh đó, việc gia tăng số lượng các vụ việc PVTM có thể tạo ra một số khó khăn nhất định cho cơ quan điều tra PVTM của Việt Nam do bị hạn chế về nguồn lực.
Ngoài ra, do các lợi ích mà Hiệp định EVFTA đem lại là rất lớn nên không loại trừ nguy cơ một số doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp PVTM mà EU đang áp với nước khác để hưởng lợi bất chính. Trong bối cảnh đó, các hoạt động PVTM cần tập trung cảnh báo, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp này.
-Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện những giải pháp gì để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài cũng như có khuyến cáo như thế nào đối với doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?
Xu thế bảo hộ, xung đột thương mại đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trong quan hệ giữa các nền kinh tế lớn, tác động nhiều mặt tới nền kinh tế toàn cầu, khu vực và Việt Nam. Tính đến hết tháng 3/2020, đã có gần 160 vụ việc PVTM do 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, các nước khởi xướng điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, EU....
Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như: Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp PVTM áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, kể cả các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM; Hàng tuần có bản tin cảnh báo sớm để đăng tải công khai, đồng thời gửi các Hiệp hội doanh nghiệp để phổ biến cho các doanh nghiệp.
Trình Chính phủ ban hành Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc chủ động sử dụng và ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM để bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình.
Đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp cách thức ứng phó với các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng.
Chủ động làm việc, phối hợp, kể cả đấu tranh với các cơ quan điều tra nước ngoài ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp.
Nhờ đó, Việt Nam đã thu được một số kết quả tích cực trong các vụ việc, như kháng kiện thành công (không áp dụng biện pháp/không gia hạn áp dụng biện pháp) đối với 57/137 vụ việc đã kết thúc điều tra, chiếm tỷ lệ khoảng 42%; đảm bảo nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như cá basa, tôm.. tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp; khiếu kiện 5 vụ ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực. Các nỗ lực nêu trên về PVTM đã góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu do Quốc hội đề ra.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đấu tranh trên phương diện pháp lý bằng cách kiến nghị Chính phủ đưa vụ việc ra Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO khi các biện pháp các nước áp dụng có dấu hiệu vi phạm quy định WTO. Hiện nay, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Hiệp hội VASEP và các doanh nghiệp xử lý 2 vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO liên quan đến thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với cá tra và Chương trình Giám sát cá da trơn của Hoa Kỳ.
Trong quá trình xử lý 2 vụ việc đó, Bộ Công Thương đã thông qua nhiều kênh khác nhau trao đổi, thảo luận, đề xuất với Hoa Kỳ để tìm kiếm giải pháp cho vụ việc, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp. Các nỗ lực này cũng góp phần vào việc mới đây Hoa Kỳ đã công nhận hệ thống kiểm tra cá da trơn (cá basa) của ta đủ điều kiện tương đương với Hoa Kỳ, đảm bảo cá basa của ta được xuất khẩu ổn định sang thị trường này.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, để chủ động ứng phó có hiệu quả với các biện pháp PVTM của nước ngoài, các doanh nghiệp cần tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của các nước xuất khẩu. Bộ Công Thương (Cục PVTM) sẵn sàng hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước tìm hiểu các nội dung này.
Đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ PVTM và đã từng kiện hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam; chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu; có chiến lược rà soát giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với các bạn hàng tại nước sở tại để cập nhật thông tin.
Khi đã có thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa liên quan, doanh nghiệp cần cập nhật tin tức và tích cực tham gia, hợp tác trong quá trình điều tra để tránh việc bị cơ quan điều tra sử dụng số liệu sẵn có bất lợi khi đưa ra kết luận về vụ việc.
Trong các vụ việc điều tra chống trợ cấp, doanh nghiệp cần tích cực phối hợp cung cấp thông tin để Bộ Công Thương tổng hợp trả lời bản câu hỏi dành cho Chính phủ.
Thường xuyên theo dõi, nghiên cứu các khuyến cáo cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại từ cơ quan PVTM để có các kế hoạch cụ thể cho doanh nghiệp.
Phối hợp chặt chẽ Bộ Công Thương, Hiệp hội, các doanh nghiệp trong ngành trong quá trình ứng phó vụ việc.
-Xin cảm ơn ông!