Chung cư mini "trá hình" nở rộ: Trách nhiệm thuộc về ai?
Mặc dù chỉ được cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, thế nhưng chủ đầu tư lại biến hóa thành các chung cư mini “trá hình”. Đáng nói, tình trạng sai phạm đã rõ nhưng chính quyền địa phương lại ngó lơ…
Tại các đô thị lớn hiện nay, thực trạng nhà ở riêng lẻ biến thành chung cư mini “trá hình” rộ lên như một "phong trào". Loại hình này tiềm ẩn những nguy hiểm đối với người dân khi vấn đề phòng cháy chữa cháy không được nghiệm thu, đảm bảo.
Đặc biệt, quyền lợi của người sử dụng cũng bị “đe dọa” khi vấn đề dân sinh bị ảnh hưởng, không thể làm được hộ khẩu, sổ đỏ, không được xác nhận là nhà ở hợp pháp vì thực chất khu nhà chỉ được cấp giấy phép xây dựng nhà ở thông thường. Những giao dịch liên quan đến mua, bán, chuyển nhượng cũng không thể thực hiện, từ đó có thể nảy sinh ra những tiêu cực, mua, bán, chuyển nhượng trái pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Quản lý trật tự xây dựng (Kỳ 1): Chuyện những “con voi chui lọt lỗ kim”
11:01, 18/02/2020
Quản lý trật tự xây dựng (Kỳ 2): Lẩn khuất bóng dáng “nhóm lợi ích”
11:05, 19/02/2020
TP.HCM: Liệu có “xóa sổ” được tình trạng vi phạm trật tự xây dựng?
13:20, 20/11/2019
Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng
08:00, 30/10/2019
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố, loại hình chung cư mini “trá hình” xuất hiện tập trung nhiều tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy... Các nhà này được xây dựng với diện tích nhỏ, quy mô từ 5 đến 10 tầng, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, do tư nhân, doanh nghiệp tự đầu tư với lý do ban đầu làm nhà ở sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng cho thuê hoặc bán căn hộ, dẫn đến mật độ cư dân đông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.
Thời gian gần đây, thông tin nhiều ngôi nhà được “hô biến” thành các “tòa” chung cư mini không còn là việc mới lạ đối với người dân ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Phải nói, hầu hết các công trình này có kiến trúc lộn xộn, tự ý nâng chiều cao, chia nhỏ căn hộ để bán, cho thuê, thậm chí biến tầng lửng và tầng tum thành các căn hộ. việc xây dựng công trình có nhiều dấu hiệu sai phạm như vượt chiều cao, sai mật độ, phá vỡ quy hoạch đô thị.... Đáng nói, sai phạm nhiều đến như vậy nhưng lại không hề bị các cơ quan chức năng xử lý, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Không khó có thể điểm mặt chỉ tên hàng loạt các công trình dạng này, cụ thể ngay tại địa chỉ 27/55/318 đường Nguyễn Khang, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, công trình này đang gấp rút hoàn thiện. Khi PV đến tìm hiểu, chính chủ công trình này cũng vô tư xác nhận: "Giấy phép thì là giấy phép xây nhà ở, xây cố lên thêm 2 tầng trên để ở, còn 5 tầng ở dưới cho thuê dạng chung cư mini”.
Hay công trình ngay tại cổng đình Hạ Yên, loạt chung cư mini sau khi xây dựng xong đang treo biển cho thuê với giá mỗi căn từ 3.000.000 VNĐ đến 5.000.000 VNĐ. Nhiều người dân trên địa bàn không khỏi bức xúc khi cho rằng, công trình xây dựng nhà dân chỉ cần đổ một xe cát tràn ra đường thì bị cán bộ phường nhắc nhở, nhưng ở đây những công trình này cứ vô tư xây dựng sai phép mà không hề bị xử lý, khiến nhiều người nghi ngờ cho rằng, lãnh đạo phường Yên Hòa đang “chống lưng” cho sai phạm?
Một “tòa” chung cư mini khác cũng đang được mọc lên tại số 205/53/51 Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Cán bộ Thanh tra xây dựng phường này xác nhận, công trình này được cấp phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ. Nhưng kỳ lạ khi thông tin rao bán tràn ngập trên mạng lại là chung cư mini, thậm chí cũng thông qua cả các sàn giao dịch bất động sản.
Ông Trần Trung Tuyển, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh từng thừa nhận: “Công trình có sai phạm, đã có quyết định xử phạt của UBND Quận và mới có quyết định cưỡng chế, nếu chủ đầu tư không khắc phục hậu quả thì Phường buộc phải xử lý theo pháp luật”.
Thế nhưng được biết đến nay công trình này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và chưa hề có dấu hiệu dừng thì công?
Còn nhớ sự việc năm 2019 tại TP. HCM, dư luận xôn xao câu chuyện một “nhà ở” có tới … 300 phòng tại đường 36, phường Linh Đông, quận Thủ Đức. Đó là dự án mang tên Vietnam House Tower được “hô biến” từ công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ thành chung cư mini. Mặc dù cơ quan chức năng xác định có sai phạm song công trình vẫn ngang nhiên tồn tại, thậm chí chủ đầu tư đã bán cho hơn 100 hộ dân vào ở.
Trước sức ép của dư luận, các cơ quan chức năng đã phải vào cuộc thanh kiểm tra và hàng loạt cán bộ quận Thủ Đức đã bị kỷ luật do có sai phạm về quản lý, buông lỏng xử lý vi phạm nhà xây dựng không phép.
Đáng nói, trước đó, việc thanh tra và phát hiện ra sai phạm này cũng chỉ xuất phát từ sự phản ánh của nhiều người dân, khi họ bức xúc từ việc xin giấy phép xây dựng nhà ở thì rất khó khăn, trong khi công trình lớn xây không phép như “Vietnam House Tower” diễn ra ngang nhiên mà không hề bị xử lý…
Trước tình trạng chung cư mini “trá hình” đang được xây dựng một cách ồ ạt, khó kiểm soát, còn nhớ, cách đây 2 năm cố TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã cho rằng: "Việc chủ đầu tư “biến tướng” từ nhà ở riêng lẻ thành chung cư mini là xây dựng sai phép hoặc trái phép. Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền cơ sở trong công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng trên địa bàn.
Nếu cán bộ, lãnh đạo địa phương làm việc quyết liệt thì các sai phạm sao còn đất sống...?".
Câu hỏi của ông Liêm sau nhiều năm vẫn chưa có câu trả lời. Quay trở lại câu chuyện tình trạng các chung cư mini “trá hình” tại Hà Nội hiện nay đã và đang nở rộ, khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Nếu vẫn còn tình trạng “ngó lơ”, thậm chí “bảo kê” cho sai phạm của các cấp chính quyền, thì biết đến bao giờ vấn nạn trên mới chấm dứt?