Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Siết chặt hình thức đầu tư BT

Huyền Trang 06/05/2020 09:14

Các quy định để thực hiện hình thức hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao) sẽ được siết chặt hơn.

Sáng nay (6/5), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) phối hợp với Uỷ ban hợp tác công tư thuộc Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Hợp đồng PPP và xử lý vi phạm.

Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Hợp đồng PPP và xử lý vi phạm đang diễn ra tại Hà Nội.

Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Hợp đồng PPP và xử lý vi phạm đang diễn ra tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, pháp lý về PPP phụ thuộc nhiều vào các luật khác, như Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Doanh nghiệp… Các luật này chủ yếu quy định về đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân, chưa tính đến đặc thù PPP.

Với loại hình thức hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao), bà Quỳnh cho biết đây là vấn đề còn nhiều tranh cãi.

Cũng theo bà Quỳnh, các quy định của Dự thảo Luật đã khắc phục một số điểm cố hữu của hợp đồng BT. "Tại Dự thảo này, phương thức thanh toán (đất đai hoặc tài sản được thanh toán-PV) dự án BT sẽ được đấu thầu cùng lúc với hợp đồng BT", bà Quỳnh nói.

bà Vũ Quỳnh Lê Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đặc biệt, dự thảo Luật sẽ quản lý chặt hơn loại hình này theo hướng gắn trách nhiệm bảo trì dài hạn, hỗ trợ đơn vị tổ chức, vận hành công trình đối với nhà đầu tư thực hiện hợp đồng BT. Đồng thời, các quy định chặt chẽ tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP và Nghị định số 69/2019/NĐ-CP sẽ được bổ sung tối đa vào dự thảo Luật. Bên cạnh đó, dự thảo quy định rõ phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư trong dự án BT đối với từng phương thức thanh toán để khắc phục tồn tại lớn của hình thức đầu tư này thời gian qua.

Đối với lĩnh vực đầu tư dự án PPP, tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật khu biệt lại các lĩnh vực đầu tư trên tinh thần chỉ tập trung các lĩnh vực trọng điểm, khả thi và đã triển khai trong thực tế vừa qua với 6 lĩnh vực đầu tư gồm: Giao thông vận tải; Nhà máy điện, lưới điện; Cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; Trụ sở cơ quan nhà nước; Y tế; giáo dục - đào tạo; Hạ tầng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, để đảm bảo tính ổn định lâu dài và xử lý phát sinh trong điều hành thực tế, dự thảo Luật dự kiến bổ sung 1 khoản để xử lý tình huống phát sinh dự án ngoài lĩnh vực quy định trong dự thảo Luật nhưng cần phải thực hiện đầu tư theo PPP.

Cụ thể khoản 2 Điều 5 dự thảo quy định, trường hợp phát sinh dự án không thuộc lĩnh vực quy định tại Luật thì cơ quan có thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện đầu tư theo phương thức PPP nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Dự án thuộc lĩnh vực quy định tại pháp luật về đầu tư công; Dự án có khả năng cân đối vốn nhà nước trong dự án PPP; Có tính khả thi cao hơn so với đầu tư công.

Một điểm mới của Dự thảo luật PPP là về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP. Theo Bộ KH&ĐT, nội dung này bên cạnh đa số các ý kiến đồng thuận, một số ý kiến cho rằng cần có vai trò của HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP. Trong quá trình trao đổi với các Ủy ban của Quốc hội sau Kỳ họp, để bảo đảm sự đồng bộ, hài hòa giữa dự thảo Luật PPP và Luật Đầu tư công về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ đề nghị cân nhắc tiếp thu theo hướng giao HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP tại địa phương.

Về lựa chọn nhà đầu tư, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu bổ sung nội dung quy định chi tiết hơn về lựa chọn nhà đầu tư được quy định tại Chương III của dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo cho biết, Chính phủ đang tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung nội dung quy định chi tiết về lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP ngay tại Luật bảo đảm tính đầy đủ, rõ ràng, đồng bộ và pháp lý cao trong thực thi dự án PPP. Hiện dự thảo Luật đã chỉnh lý Chương III thành 3 mục gồm 15 điều, thay vì 9 điều như dự thảo trước.

Theo dự kiến, Luật về PPP sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2020. Trước đó, tại kỳ họp thứ 8, dự luật này đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội và cơ quan soạn thảođã tiếp thu, chỉnh lý. Dự thảo luật hiện có 11 chương với 109 điều, tăng 7 điều so với dự thảo trước.

Có thể bạn quan tâm

  • Cơ chế chia sẻ rủi ro trong dự án PPP không hấp dẫn

    16:05, 22/04/2020

  • Chuyển 8 dự án PPP sang đầu tư công: Giải pháp cần nhưng…“chưa đủ”!

    05:20, 21/04/2020

  • Dự thảo luật về PPP: Đề nghị thu hẹp lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP

    16:31, 20/04/2020

Huyền Trang