Dự thảo Luật về PPP: Cơ chế chia sẻ rủi ro… không công bằng

Huyền Trang 06/05/2020 10:05

Luật sư Lê Đình Vinh, Trọng tài viên VIAC khẳng định cơ chế chia sẻ rủi ro trong Dự thảo Luật về PPP đang đẩy phần thiệt thòi hơn thuộc về phía các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án.

Sáng nay (6/5), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) phối hợp với Uỷ ban hợp tác công tư thuộc Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Hợp đồng PPP và xử lý vi phạm.

Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Hợp đồng PPP và xử lý vi phạm vẫn đang diễn ra tại Hà Nội.

Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Hợp đồng PPP và xử lý vi phạm vẫn đang diễn ra tại Hà Nội.

Đại diện Ban soạn thảo, bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu được áp dụng cho tất cả các dự án PPP, bảo đảm tính công khai, minh bạch và sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án PPP.

“Tuy nhiên, rủi ro chỉ được chia sẻ với điều kiện dự án bị tác động khi Nhà nước thay đổi chính sách, tức là lỗi thuộc về Nhà nước mà thôi”, bà Lê nhấn mạnh.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 83 Dự thảo Luật, nhà đầu tư, doanh nghiệp PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng doanh thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu theo phương án tài chính khi doanh thu thực tế đạt từ 125% mức doanh thu trong phương án tài chính trở lên.

Trong khi đó, theo khoản 2 Điều 183 Dự thảo Luật, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần giảm doanh thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng PPP; trong đó, mức doanh thu cam kết tại hợp đồng không cao hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính.

So sánh giữa quy định tại khoản 1 và khoản 2 trên đây, Tiến sỹ, Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink, Trọng tài viên VIAC khẳng định, có thể thấy ngay rằng mức doanh thu mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chia sẻ với Nhà nước trong trường hợp tăng doanh thu sẽ cao hơn mức doanh thu mà Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong trường hợp giảm doanh thu. Nói cách khác, phần thiệt thòi hơn thuộc về các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án.

“Trong khi cơ chế Nhà nước chia sẻ phần giảm doanh thu với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chỉ được áp dụng với những dự án PPP đáp ứng đầy đủ một số điều kiện nhất định (khoản 2 Điều 83) thì cơ chế nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chia sẻ phần tăng doanh thu với Nhà nước lại áp dụng đối với mọi dự án PPP một cách vô điều kiện”, ông Vinh nhấn mạnh.

Tiến sỹ, Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink, Trọng tài viên VIAC.

Tiến sỹ, Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink, Trọng tài viên VIAC.

Theo quan điểm của ông Vinh để đảm bảo sự công bằng thì cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu với Nhà nước cũng chỉ nên áp dụng với một số dự án PPP khi thỏa mãn những điều kiện nhất định, tương tự trường hợp áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu.

“Chẳng hạn, việc chia sẻ phần tăng doanh thu với Nhà nước chỉ nên áp dụng đối với một số loại hợp đồng PPP và đối với các dự án PPP có những lợi thế rõ rệt về tăng trưởng doanh thu ngay từ khi lập và phê duyệt dự án. Không áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu đối với các dự án PPP đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng tại các địa phương vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo… như một biện pháp ưu đãi đầu tư để thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP đầu tư vào các địa bàn này”, ông Vinh nhấn mạnh.

Theo dự kiến, Luật PPP sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2020. Trước đó, tại kỳ họp thứ 8, dự luật này đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý. Dự thảo luật hiện có 11 chương với 109 điều, tăng 7 điều so với dự thảo trước.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư: Siết chặt hình thức đầu tư BT

    09:14, 06/05/2020

  • Dự thảo Luật PPP: Chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa nhà đầu tư và nhà nước

    05:20, 12/11/2019

  • Dự thảo Luật PPP: "Những dự án to đùng Nhà nước hoàn trả bằng đất không ai kiểm toán à?"

    17:41, 11/11/2019

Huyền Trang