"Quy định nhà đầu tư đề xuất dự án PPP tạo cơ hội cho… lobby chính sách"
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự khẳng định hoàn toàn không có cơ sở nào để cho tư nhân tự đề xuất các dự án này.
Sau Phiên họp lần thứ 44, Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức công tư (Dự thảo Luật về PPP) đã được chỉnh sửa với nhiều điểm mới. Tuy nhiên, những điểm mới này của Dự thảo Luật vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Điều 27 và 28 của dự thảo luật có đề cập đến việc các nhà đầu tư đề xuất dự án PPP. Nhận xét về quy định này, ông Lập cho rằng đó là điều không nên.
Ông Lập khẳng định theo nguyên lý và logic chung, dự án PPP xuất phát từ nhu cầu và ý chí của Nhà nước vì lợi ích công, rất khác với các dự án của doanh nghiệp và theo thị trường.
"Do đó, hoàn toàn không có cơ sở nào để cho tư nhân tự đề xuất các dự án này. Nếu có, và trên thực tế cũng đã có, thì lưu ý có nhiều vấn đề và hệ luỵ phức tạp và nhạy cảm cần cân nhắc. Đó là sự móc nối và vận động (lobby) từ phía nhà đầu tư tư nhân để cơ quan nhà nước chấp thuận đề xuất dự án của mình, không phụ thuộc vào việc có cần thiết (từ góc độ nhà nước) hay phục vụ lợi ích công hay không”, ông Lập nhấn mạnh quan điểm.
Theo quan điểm của ông Lập, một khi chúng ta đề cao mục đích phòng ngừa và chống tiêu cực, tham nhũng thông qua các quan hệ thân hữu giữa tư nhân và nhà nước thì Dự thảo Luật không nên giữ phương án này như đã có trong các Nghị định hiện hành”.
Cùng với đó, một trong những vấn đề tiếp tục tạo nên tranh cãi tại Dự thảo Luật lần này chính là câu chuyện quản lý hình thức đầu tư BT (Xây dựng-Chuyển giao).
Ông Lập cho rằng giải pháp căn cơ nhất cho vấn đề này là nên dừng hẳn dự án BT. Trong trường hợp muốn tiếp tục dự án BT thì cũng không theo cách làm như hiện nay.
“Điều 45.3 của dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có quy định về dự án hay hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). Tôi cho rằng nên loại bỏ hình thức dự án này”, ông Lập nêu quan điểm.
Là một trong những Luật sư tham gia vào các dự án PPP đầu tiên, ông Lập khẳng định có 6 lý do để loại bỏ loại hình dự án BT.
Thứ nhất, về bản chất, BT là hình thức mua sắm công thông thường mà nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt, có chăng là thanh toán sau mà không cần ứng trước. Tuy nhiên, nhà nước vẫn phải thanh toán, tức chi tiêu công thông qua đầu tư, do đó suy cho cùng BT chỉ là một cách “lách” Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công.
Thứ hai, vì không thanh toán bằng tiền mặt nên rất khó công khai, minh bạch hoá trong khâu thẩm định, phê duyệt và chi trả cho chủ đầu tư tư nhân. Điều này tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh.
Thứ ba, dự án BT không phù hợp với chính sách hợp tác đối tác công - tư vì không có yếu tố tranh thủ vốn đầu tư dài hạn của tư nhân cũng như công nghệ quản trị tiên tiến của khu vực này.
Thứ tư, vừa qua có nhiều dự án BT được triển khai, chủ yếu nhằm xây dựng đường giao thông liên tỉnh, trụ sở, công trình văn hoá, giáo dục theo kiểu “đổi đất lấy hạ tầng” gắn với nhiều hệ luỵ tiêu cực (móc ngoặc, tham nhũng, trục lợi chính sách) khiến dư luận bức xúc gọi tên BT là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng.
Thứ năm, hình thức BT rất hiếm khi được triển khai ở các nước với lý do không tận dụng được bất cứ lợi thế gì của khu vực tư nhân và gây khó cho trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước.
Cuối cùng, nếu hình thức dự án BT vẫn được giữ lại thì nên kiên quyết bỏ hẳn cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” mà thay vào đó, thanh toán riêng rẽ cho nhà đầu tư bằng tiền sau khi đã đấu giá quyền sử dụng đất một cách rộng rãi và công khai, minh bạch.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật về PPP bỏ quên… quyền sở hữu dự án của nhà đầu tư
13:53, 06/05/2020
Cơ chế chia sẻ rủi ro trong dự án PPP không hấp dẫn
16:05, 22/04/2020
Dự thảo Luật về PPP: Cơ chế chia sẻ rủi ro… không công bằng
10:05, 06/05/2020