Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp chưa hưởng ưu đãi hỗ trợ
Đây là một trong những vấn đề nổi bật trong báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chỉ thị 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Điều kiện vay vốn còn… khắt khe hơn
Theo đánh giá của VCCI các biện pháp của ngành ngân hàng rất kịp thời và có ý nghĩa.
Tuy nhiên, VCCI cũng cho rằng do đặc điểm của các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, do đó, việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chủ yếu dựa trên cơ sở cắt giảm lợi nhuận và chi phí, phụ thuộc vào quy mô và hiệu quả hoạt động của từng ngân hàng thương mại.
Thực tế thực hiện các biện pháp này trong thời gian vừa qua cho thấy nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định, một số doanh nghiệp phản ánh các điều kiện vay vốn thậm chí còn khắt khe, chặt chẽ hơn; thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà; đối tượng áp dụng còn chưa công khai, minh bạch; doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ khó tiếp cận chính sách ưu đãi…
Các chính sách hỗ trợ mới chủ yếu được thực hiện ở các Ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, Agribank, Viettinbank… và cũng rất khác nhau giữa các ngân hàng.
Để hỗ trợ các ngân hàng thương mại thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã đề ra, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định đối tượng doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ một cách công khai, minh bạch, hạn chế việc “xin- cho” bằng quan hệ, lợi dụng chính sách.
Đề nghị các ngân hàng thương mại giải quyết các ưu đãi một cách chủ động, chẳng hạn việc giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu, giãn nợ hoàn toàn có thể thực hiện tự động khi xác định đối tượng rõ ràng, không nhất thiết phải chờ doanh nghiệp đề nghị.
Các ngân hàng thương mại cũng cần chú ý hơn tới các đối tượng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là các đối tượng bị tổn thương nhiều bởi dịch bệnh, chứ không chỉ là các doanh nghiệp lớn, khách hàng thân thiết của mình.
Cần công khai, minh bạch cách gói hỗ trợ
Về vấn đề này TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, việc thực hiện công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính trong xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần được thực hiện một cách triệt để, thông thoáng và tận tâm hơn từ các cơ quan có chức năng và trách nhiệm.
Việc phối hợp giữa các bộ ngành chức năng trong việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Câu chuyện trục trặc về xuất khẩu gạo, chậm trễ trong việc xuất khẩu khẩu trang vừa qua là những ví dụ điển hình.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, tính chủ động của các địa phương trong việc chung tay, chung sức cùng với Chính phủ trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cũng cần được đẩy mạnh hơn.
Ngoài cơ chế, chính sách chung của Chính phủ, một số địa phương đã chủ động có các cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp như Hà Nội, TP HCM. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều địa phương còn thụ động, trông chờ vào các chính sách chung, thậm chí có địa phương còn hiểu sai tinh thần các chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng, gây thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp có thể tồn tại, vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và nắm bắt các cơ hội phát triển sau khi hết dịch, ngoài các giải pháp, cơ chế chính sách đã ban hành, VCCI cho biết, đã tập hợp thêm gần 100 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, bao gồm các đề xuất, kiến nghị mới và các đề xuất, kiến nghị đề nghị bổ sung, sửa đổi vào cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành gửi tới Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp tục áp dụng.
Các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tập trung bổ sung thêm các hỗ trợ chính sách về tài khóa, tiền tệ, chính sách tín dụng, về chính sách hỗ trợ về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, Về cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy thực thi chính sách…
Các giải pháp kiến nghị bổ sung này chủ yếu nhằm mục tiêu thúc đẩy sớm triển khai cụ thể hóa thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mà Thủ tướng chính phủ đã ban hành trên cơ sở cụ thể, đi sâu thực chất, giúp hỗ trợ giải quyết các khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại, đồng thời khắc phục các tác động dài hạn có thể kéo dài sang năm 2021 cũng như thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Tinh giản, cắt giảm các quy định quản lý rườm rà
11:44, 09/05/2020
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Không được "đẩy qua đẩy lại" làm lỡ thời cơ của doanh nghiệp
11:41, 09/05/2020
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái
11:15, 09/05/2020
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Korcham kiến nghị nối lại đường bay Việt Nam - Hàn Quốc
11:12, 09/05/2020
Đề nghị Chính phủ tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ bảo lãnh tín dụng
10:49, 09/05/2020