Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: VCCI đề nghị không điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2021
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, VCCI cho biết có đến 80 % doanh nghiệp đề nghị không tăng lương tối thiểu vùng.
Để tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp, VCCI đề nghị không điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2021.
Theo nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, dự thảo nghị định lương tối thiểu vùng năm 2021 được giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thời gian hoàn thành để trình Chính phủ là tháng 9/2020, để kịp có hiệu lực thi hành vào 1/1/2021.
Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng được quy định trong Nghị định 90/2019/NĐ-CP được áp dụng từ 1/1/2020 ở 4 vùng. Vùng I (khu vực thành phố, đô thị thuộc các quận thị nội thành) là 4.420.000 đồng; Vùng II (khu vực huyện thị thuộc các tỉnh thành phố) là 3.920.000 đồng; Vùng III (các huyện thị, thị xã thuộc các tỉnh) là 3.420.000 đồng; vùng IV (vùng nông thôn, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn) là 3.070.000 đồng.
Tuy nhiên, theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2021 cần phải được xem xét theo hướng không điều chỉnh so với hiện tại.
“Khảo sát nhanh của VCCI được triển khai cuối tháng 3 đầu tháng 4, thì tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
82% doanh nghiệp cho rằng, doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019. Và có tới 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.
“Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, trên 75% số doanh nghiệp báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây”, Chủ tịch VCCI dẫn từ kết quả khảo sát của VCCI.
Do đó, VCCI đề nghị tạm dừng các khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến hết tháng 12/2020.
Đề nghị Chính phủ trình ra Quốc hội đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5% ít nhất trong thời hạn 6 đến 12 tháng; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống còn 1% trước mắt cho năm 2020.
Ngoài ra, về một số chính sách, chế độ cụ thể về lao động, tiền lương, việc làm, VCCI cũng đề nghị Bộ Lao động - TBXH có hướng dẫn cụ thể về trường hợp người có hợp đồng lao động nghỉ việc, ngừng việc không hưởng lương trong thời gian dịch bệnh để người lao động vẫn giữ được việc làm; xem xét các chính sách về thời gian làm việc linh hoạt trong giai đoạn dịch bệnh để doanh nghiệp có thể giảm giờ làm việc hàng tuần và điều chỉnh mức lương phù hợp cho người lao động; cho phép người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận trả mức lương thấp hơn mức tiền lương tối thiểu vùng trong thời gian dịch bệnh, được phép giảm giờ làm và trả lương tương ứng với với giờ làm việc; cho phép người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp toàn phần đối với các doanh nghiệp bị đóng cửa để giữ chân người lao động; cho phép không tính lương tăng ca đối với doanh nghiệp giảm số lượng lao động, tăng giờ làm thêm trong nhà máy do thực hiện việc đảm bảo yêu cầu giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của các địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp chưa hưởng ưu đãi hỗ trợ
12:20, 09/05/2020
Doanh nghiệp phải biết “chiếm chỗ” trong chuỗi cung ứng mới
12:15, 09/05/2020
Cần ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp thu hút được nguồn lao động
12:14, 09/05/2020
Tinh giản, cắt giảm các quy định quản lý rườm rà
11:44, 09/05/2020