Thực phẩm bẩn: Cơn “ác mộng” chốn học đường
Dùng hóa chất để giữ chuối tươi lâu, làm ruốc bằng thịt gà bẩn... là những vụ việc từng rúng động dư luận. Đáng sợ hơn khi chúng len lỏi vào tận bếp ăn trường học trở thành "ác mộng" chốn học đường…
Vụ việc xe chở rau củ vào trường Tiểu học Lý Nhân (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) bị người dân chặn bắt ngoài cổng trường, phát hiện hàng loạt rau củ thối rữa từng gây xôn xao dư luận một thời gian dài.
Theo đó, chiếc xe chở thực phẩm cung cấp cho trường tiểu học Lý Nhân do đơn vị cung cấp là Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục Tam Phúc bị bắt quả tang chiều 12/9/2017, trong đó nhiều mớ rau muống đã úa vàng, bí xanh thối rữa chảy nước và bốc mùi.
Được biết, Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục Tam Phúc (thôn Phù Lập xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) là đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường tiểu học Vĩnh Tường từ đầu năm học 2017 - 2018 và đơn vị này mới cung cấp được buổi thứ hai thì bị người dân bắt giữ.
Gần đây nhất, một “tội ác” của những “kẻ bất lương” đã khiến dư luận sôi sục khi hơn 80 em học sinh ở Thuận Thành, Bắc Ninh có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh sán lợn gạo, nghi do ăn phải thực phẩm bẩn lâu ngày tại trường (số liệu của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tính đến sáng 17/3/2019).
Trước đó, sáng 5/3, một phụ huynh đưa con tới trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) thì có vào bếp ăn để xem xem hôm nay các cháu ăn gì. Vị phụ huynh này thấy một rổ thịt gà đã làm chín đặt ở trên bếp, khi đặt tay vào miếng thịt và vê thì miếng thịt nát vụn ra. Cho rằng đây là thịt gà đông lạnh đã để lâu, phụ huynh này gọi thêm nhiều phụ huynh khác, đồng thời yêu cầu Hiệu trưởng xuống để làm rõ.
Sau đó, lực lượng công an, UBND xã đã có mặt để thu giữ số thịt gà đó để kiểm tra. Sau khi có thông tin công ty cung cấp thực phẩm cho trường Thanh Khương đồng thời cũng cung cấp thực phẩm cho 18 trường khác trong địa bàn huyện, hàng trăm phụ huynh có con học tại gần 20 trường trên địa bàn huyện Thuận Thành đã đưa con đi xét nghiệm và kết quả là hơn 80 cháu trong số đó bị kết luận có nhiễm sán lợn gạo.
Vụ việc khiến dư luận hết sức bất bình, đòi hỏi phải có câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này, cần thiết phải khởi tố công ty cung cấp thực phẩm bẩn và lãnh đạo các trường học để xảy ra vi phạm trên. Bởi vụ việc ở Bắc Ninh như “giọt nước làm tràn ly” khi mà trước đó đã từng xảy ra nhiều vụ thực phẩm bẩn len lỏi vào bếp ăn trường học gây rúng động dư luận.
Đáng nói, mỗi khi xảy ra những sự việc tương tự như thì từ nhà trường đến các đơn vị ngành giáo dục cũng vẫn đều khẳng định, “sẽ siết chặt”, “ sẽ tăng cường quản lý”, “sẽ kiểm tra, giám sát”... Tuy nhiên, câu hỏi mà dư luận cần quan tâm là các cơ quan chức năng sẽ duy trì những việc đó trong bao lâu, hay có chăng khi sự việc lắng xuống thì vẫn “đâu vào đó”, để rồi những sự việc tiếp tục tái diễn và lại có những kết luận và cách thức xử lý chỉ để để trấn an dư luận?
Vì sao vẫn liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong trường học? Vì sao thực phẩm bẩn vẫn tuồn được vào bếp ăn nhà trường? Trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân do chế tài xử phạt vẫn còn khá lỏng lẻo, việc quy trách nhiệm chưa thực sự rõ ràng, trong khi sự công khai minh bạch trong trường học vẫn còn hạn chế thì vai trò giám sát của phụ huynh lại rất mờ nhạt.
Theo Luật an toàn thực phẩm (ATTP), việc quản lý ATTP trường học thuộc trách nhiệm của UBND các cấp. Với cơ sở cung cấp bữa ăn cho trường học có giấy phép kinh doanh thì phải có thêm giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Với cơ sở không đăng ký kinh doanh (nhà trường tự nấu và cung cấp suất ăn cho học sinh) thì cần có cam kết với cơ quan chức năng và phải bảo đảm đủ các điều kiện về nguồn gốc thực phẩm, cơ sở vật chất...
Ngành giáo dục cũng thường xuyên nhắc nhở các trường về vấn đề bảo đảm ATTP, trong đó nhấn mạnh đến vai trò giám sát của Ban giám hiệu nhà trường và Ban phụ huynh trong kiểm soát nguồn gốc thực phẩm. Quy định là vậy, thế nhưng do lợi nhuận của bên cung cấp cùng với sự lơ là, thiếu trách nhiệm hoặc cố tình tiếp tay của một số nhà trường, thực phẩm bẩn vẫn “chui” qua được lỗ hổng quản lý và vào những bữa ăn học đường.
Tại Nghị định số115/2018/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa áp dụng với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, mức phạt này được cho là chưa đủ sức răn đe so với mức lợi nhuận khổng lồ mà việc kinh doanh thực phẩm trường học mang lại, nhất là khi một công ty thường cung ứng cho hàng chục trường.
Trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, để bảo đảm ATTP tại bếp ăn trường học cần sự vào cuộc của cả ba bên: Đơn vị cung cấp, nhà trường và phụ huynh học sinh. Ngay từ khâu lựa chọn doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, nhà trường buộc phải chọn doanh nghiệp khi đã có thẩm định của cơ quan chức năng và thông báo đến phụ huynh. Khâu giao nhận thực phẩm hằng ngày cần có sự kiểm tra giám sát của Ban giám hiệu nhà trường. Thậm chí, nhà trường có thể hậu kiểm, truy xuất đến cùng nguồn thực phẩm đưa vào trường. Về phía phụ huynh, thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh cần có những buổi kiểm tra đột xuất bếp ăn trường học, kịp thời phản ánh tới Ban giám hiệu nhà trường.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty Luật HPVN cũng nhấn mạnh, cần phải có chế tài có đủ sức răn đe, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành thì mới có thể tạo được những chuyển biễn rõ rệt trong vấn đề ATTP tại bếp ăn trường học.
Có thể bạn quan tâm
Cần tích hợp địa chỉ an toàn thực phẩm vào bản đồ số Việt Nam
00:00, 14/12/2019
Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm: Không phát động kiểu “trống giong, cờ mở”!
05:10, 18/04/2019
Đà Nẵng: Gần 2 tỷ đồng xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm
03:00, 18/01/2019
2 giải pháp của Bộ Y tế về an toàn thực phẩm
12:08, 31/10/2018
Vi phạm an toàn thực phẩm bị phạt tới 200 triệu đồng
18:35, 07/09/2018
Quản lý an toàn thực phẩm theo xu hướng thế giới
16:10, 20/07/2018