Đâu là những điểm mới trong Dự thảo Luật Xây dựng?
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật Xây dựng đã được sửa đổi với nhiều điểm mới.
Chiều ngày 23/5, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ông Phan Xuân Dũng cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị sửa đổi Luật Xây dựng phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch… và các dự án Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan nỗ lực rà soát các luật liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo.
Dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn phù hợp với Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung quy định về chủ đầu tư, nhà đầu tư trong dự thảo Luật để thống nhất với quy định về nhà đầu tư trong Luật Đầu tư; thống nhất khái niệm về nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị với Luật Nhà ở…
Theo đó, về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đa số ý kiến đại biểu Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật cùng với phạm vi điều chỉnh và tên gọi như dự án Luật.
“Mặt khác, Luật Xây dựng hiện hành có hiệu lực từ 01/01/2015, một số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật mới được ban hành nên việc đánh giá, tổng kết chưa thể hiện được đầy đủ, toàn diện. Hơn nữa, ngoài Luật Xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng còn được điều chỉnh bởi nhiều pháp luật khác có liên quan, đã và đang trong quá trình hoàn thiện”, ông Dũng nói.
Vì vậy, trước mắt tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng hiện hành với những nội dung thuộc 3 nhóm chính sách lớn như Chính phủ đã trình Quốc hội trong Tờ trình số 366/TTr-CP ngày 28/8/2019. Bên cạnh đó, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án Luật đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ...
Đồng thời, ông Dũng cũng thông tin thêm rằng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban và Ban soạn thảo cùng các cơ quan liên quan đã nỗ lực rà soát các luật liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo.
Cụ thể, dự án Luật đã được sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn phù hợp với Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung quy định về chủ đầu tư, nhà đầu tư trong dự thảo Luật để thống nhất với quy định về nhà đầu tư trong Luật Đầu tư; thống nhất khái niệm về nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị với Luật Nhà ở; thống nhất quy định về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng với pháp luật về quy hoạch; việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thẩm tra phục vụ thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng thống nhất với pháp luật về đấu thầu...
Về quy hoạch xây dựng và cấp phép xây dựng công trình có thời hạn trên đất có quy hoạch chậm triển khai, các nội dung quy định về quy hoạch xây dựng tại Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng hiện hành đã được
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật Quy hoạch; đã làm rõ loại quy hoạch nào thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch nào là quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành; đồng thời, đã quy định cụ thể về điều kiện, trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch.
Về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự Luật vẫn giữ quy định về xây dựng công trình khẩn cấp nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng được bao quát hơn.
Đồng thời, dự Luật bỏ điều quy định về công trình cấp bách, sửa đổi quy định về các đối tượng công trình khẩn cấp như trong dự Luật.
Đáng nói, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, ngoài các vấn đề lớn nêu trên, các điều, khoản của dự án Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo các ý kiến góp ý cụ thể của các đại biểu Quốc hội về giải thích từ ngữ; về nguyên tắc cơ bản và chính sách khuyến khích của Nhà nước; về phân loại, cấp công trình dự án đầu tư xây dựng; về xây dựng công trình tạm; về vật liệu xây dựng; về ban hành định mức và công bố chỉ số giá xây dựng; về quản lý năng lực hoạt động xây dựng; về trách nhiệm quản lý nhà nước… cũng như chỉnh sửa về văn phong, kỹ thuật văn bản.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban và Ban soạn thảo thống nhất rà soát, chỉnh lý nội dung của dự án Luật nhằm bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự án Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 59 Điều tăng 7 Điều so với so với dự án Luật Chính phủ trình Quốc hội. Sửa đổi Điều 17 của Luật Nhà ở và Điều 28 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội kính trình các vị đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định.
Có thể bạn quan tâm
Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi): Đại biểu Quốc hội lo lắng tình trạng quy hoạch “chạy” theo dự án
11:00, 27/11/2019
Kỳ vọng Luật Xây dựng sửa đổi
06:00, 31/10/2019
Sửa Luật Xây dựng: Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, chống xin-cho
15:26, 13/08/2019