Cách mạng thủ tục hành chính
Số hóa các thủ tục hành chính (TTHC) sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách TTHC trong giai đoạn này.
Đây là quan điểm của TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp bên lề Hội nghị “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19” do Văn phòng Chính phủ tổ chức vừa qua.
Theo TS Cấn Văn Lực, Nghị định 45/2020/NĐ-CP thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử có hiệu lực từ ngày 22/5/2020 sẽ chuyển từ “giấy trắng, mực đen, dấu đỏ” sang môi trường điện tử. Triển khai Nghị định thành công sẽ là cuộc "cách mạng" về TTHC.
- Nếu nói số hóa các TTHC là cuộc cách mạng thì liệu nó có mang lại lợi ích cho tất cả mọi người không, thưa ông?
Số hóa các TTHC là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, không phải không có doanh nghiệp đang ngại thay đổi hoặc không muốn tiếp cận với công nghệ do thói quen, cho dù họ biết số hóa sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Rõ ràng, ứng dụng số hóa trong công tác quản lý giúp thuận tiện trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính; cán bộ xử lý hồ sơ nhanh và khoa học hơn... từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, nhất là giảm chi phí, tăng năng suất lao động và mở ra cơ hội tiếp cận được các bạn hàng, đối tác, thị trường mới nhất trong bối cảnh có nhiều thay đổi về sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh xu hướng số hoá ngày một phổ biến hơn. Đặc biệt, việc ứng dụng số hóa TTHC có thể "chấm dứt" cơ hội cho một số cán bộ nhũng nhiễu, hay một vài doanh nghiệp muốn tạo rào cản thủ tục để chiếm lợi thế hơn đối thủ cạnh tranh khi mình dùng "quan hệ đi cửa sau".
-Thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường ít "quan hệ riêng" với quan chức, công chức. Do đó, họ sẽ khó khăn hơn khi thực hiện các TTHC, thưa ông?
Đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng thì vướng mắc lớn nhất mà họ đang mắc phải chính là các vấn đề liên quan đến TTHC. Thêm vào đó, nhiều vấn đề chúng ta biết là rào cản TTHC nhưng thời gian tháo gỡ lại quá lâu khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh. Thậm chí, trong một số trường hợp doanh nghiệp còn rơi vào tình trạng phá sản, hoặc phải tạm dừng kinh doanh cũng chỉ vì TTHC quá rườm rà.
Không chỉ có vậy, chính những hướng dẫn chi tiết để triển khai thực hiện nhiều chính sách TTHC không được mạch lạc rõ ràng. Cuối cùng, quá trình triển khai thực hiện của cán bộ cấp dưới là rào cản, đôi khi đây là cơ hội để tình trạng nhũng nhiễu phiền hà doanh nghiệp vẫn diễn ra.
-Như vậy, giải pháp giúp đẩy nhanh quá trình cải cách TTHC đạt hiệu quả như mong muốn chính là triển khai triệt để số hóa, thưa ông?
Để quá trình số hóa TTHC được diễn ra đồng bộ và triệt để, trước tiên phải nâng cao nhận thức của các chủ thể trong xã hội về tầm quan trọng của cải cách TTHC, hướng tới xây dựng nền hành chính hiện đại. Từ cán bộ công chức đến doanh nghiệp đều phải nâng cao nhận thức về sự tác động, tạo hiệu ứng trong toàn xã hội cùng chung tay tham gia thực hiện. Chính vì vậy, tiếp tục phát huy việc chuyển nhận thức từ cơ chế nền hành chính “mệnh lệnh”, “xin – cho” sang nền hành chính “phục vụ”; coi người dân và doanh nghiệp thực sự là “đối tác”, “khách hàng” trong cung cấp dịch vụ công.
Ngoài ra, các cơ quan cần đẩy mạnh xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử, góp phần cải cách hành chính và các dịch vụ công. Từng cá nhân, tổ chức cần hiểu rằng, tăng Chỉ số phát triển chính phủ điện tử và Chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến là con đường bắt buộc phải đi, phải đẩy nhanh mới có thể cạnh tranh được với khu vực và trên thế giới.
Cùng với đó, các cơ quan hành chính cần nâng cao hiệu quả thực thi công vụ cho đội ngũ công chức tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, việc thực hiện các quy định của pháp luật trong tiếp nhận, xử lý nhanh chóng, kịp thời các TTHC của công chức nhà nước cần được đề cao trách nhiệm.
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là đối tượng chịu áp lực lớn nhất từ dịch COVID-19. Vậy, với đối tượng doanh nghiệp này, chúng ta cần những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, trước hết cần phải giúp họ vượt qua được đại dịch một cách suôn sẻ để từ đó họ có niềm tin tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh bằng việc triển khai gói hỗ trợ như chúng ta đã và đang thiết kế và triển khai thời gian vừa qua.
Thứ hai, cần phải giúp họ định hướng mô hình kinh doanh trong thời gian tới như thế nào? Bởi vì so với đại dịch COVID thì rất nhiều thứ thay đổi liên quan đến đầu tư, tiêu dùng, du lịch, giải trí tất cả đều đã và đang thay đổi. Như vậy, doanh nghiệp cần phải có những định hướng nhưng cái gọi là ý tưởng kinh doanh mới để thích ứng.
Thứ ba, là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhất là môi trường đầu tư kinh doanh để doanh nghiệp có thể phát huy được những khả năng của mình, nhất là kết nối với doanh nghiệp lớn hơn, kết nối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong chuỗi cung ứng.
Cuối cùng cũng cần phải hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thiết thực hơn nữa. Họ thường thiếu các thông tin, kỹ năng về quản trị điều hành, về nguồn vốn và tiếp cận đất đai, có lẽ cũng cần phải tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa và đảm bảo công bằng giữa các khối doanh nghiệp với nhau.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:
Cộng đồng doanh nghiệp cần đẩy mạnh quá trình số hóa. COVID-19 cũng có thể coi là một hồi chuông nhắc nhở đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Đảm bảo kinh doanh liên tục trong thời đại hiện nay gần như là bất khả thi nếu không có công nghệ phù hợp. Một nghiên cứu được thực hiện tại Singapore năm 2019 cho thấy việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, trí tuệ nhân tạo/ phân tích dữ liệu lớn có thể làm tăng năng suất và giá trị gia tăng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ lần lượt là 26% và 17%.
Từ góc độ kinh tế vĩ mô, việc số hóa doanh nghiệp cũng có thể giúp tăng cường hoạt động kinh tế của một quốc gia. Theo ước tính, việc số hóa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEAN có thể tạo ra thêm 1,1 nghìn tỷ đô la giá trị GDP trên toàn khu vực vào năm 2025.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham:
Cải cách hành chính không thể bỏ qua 2 yếu tố là: Con người và công nghệ. Công nghệ được sử dụng để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí, giảm thiểu hạn chế về không gian và thời gian. Tuy nhiên, khi xác định cắt giảm thủ tục nào, giữ lại thủ tục nào thì con người là quyết định. Vì vậy trong quá trình thực thi, yếu tố con người là rất quan trọng.
Việt Nam đang hiện thực hóa 2 khía cạnh này cùng một lúc. Chính phủ đã thực hiện rất tốt trong 4 năm trở lại đây. Đặc biệt, các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh là những lĩnh vực cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.