Sẽ trình Quốc hội Nghị quyết công nhận và cho thi hành phán quyết EVIPA tại Việt Nam
Pháp luật Việt Nam chưa có quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết theo quy định của Hiệp định EVIPA.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, sáng 01/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là nước CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Mở đầu phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về dự thảo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là nước CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Ông Dũng cho biết, theo quy định tại Điều 3.57 của Hiệp định, mỗi Bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này (“Phán quyết EVIPA”) và cho thi hành các nghĩa vụ tài chính theo Phán quyết đó trên lãnh thổ của mình.
Hiệp định EVIPA đã được Hội đồng Châu Âu thông qua ngày 25/6/2019 và được đại diện các bên ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. Chủ tịch nước đã trình Quốc hội phê chuẩn EVIPA tại Kỳ họp thứ 9, khẳng định quyết tâm chính trị của Nhà nước ta trong việc sớm triển khai các cam kết trong EVIPA, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu.
Cùng với đề nghị phê chuẩn Hiệp định EVIPA, tại Tờ trình số 02/TTr-CTN ngày 18/4/2020 và Báo cáo thuyết minh số 207/BC-CP ngày 13/5/2020, Chủ tịch nước và Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội quy định về cho phép công nhận và thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định EVIPA bằng một Nghị quyết riêng.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ trong thời gian ngắn đã khẩn trương, nghiên cứu đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cho công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.
Đồng thời tán thành với việc có nghị quyết riêng của Quốc hội về cho công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA khẳng định quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc sớm triển khai các cam kết của EVIPA; đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu và các nước thành viên.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy về cơ bản hồ sơ dự thảo Nghị quyết bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến tán thành với việc Nghị quyết này chỉ khẳng định việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn điều khoản công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA, mà không phải quy định về một cơ chế mới để thi hành phán quyết.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng dự thảo Nghị quyết cần xác định nguyên tắc về quyền của Tòa án Việt Nam trong việc áp dụng pháp luật về công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA tại Việt Nam trong trường hợp bị đơn là Nhà nước Việt Nam, nguyên đơn là nhà đầu tư của EU hoặc nhà đầu tư của các thành viên EU và trường hợp bị đơn là EU hoặc các nước thành viên EU có tài sản tại Việt Nam và nguyên đơn là Nhà nước Việt Nam.
Dự thảo cũng cần xác định những nội dung nghĩa vụ của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cáo, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành liên quan đề bảo đảm thực thi Hiệp định.
Về hiệu lực thi hành, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 9.
Có thể bạn quan tâm
EVIPA và cơ chế giải quyết tranh chấp
11:00, 01/06/2020
Hiệp định EVFTA và EVIPA nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế
10:23, 27/05/2020
Có nên ban hành Nghị quyết riêng về công nhận và thi hành phán quyết EVIPA?
00:01, 21/05/2020