Cần có bước đột phá chuyển đổi Hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp
Vì theo căn cứ pháp lý Hộ kinh doanh (HKD) sẽ hưởng được nhiều lợi ích lớn hơn về quyền lợi đầu tư kinh doanh khi đưa vào Luật Doanh nghiệp.
Kết quả không thể phủ nhận
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước có trên 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có hơn 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Với khoảng trên 5,5 triệu hộ kinh doanh, ước tính tổng tài sản khoảng trên 655 nghìn tỷ đồng, tạo doanh thu trên 2,2 triệu tỷ đồng, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7,945 triệu lao động. Trong số đó, khoảng 80% hộ kinh doanh hoạt động trong ngành công nghiệp - xây dựng; 20% trong ngành Thương mại dịch vụ, trong đó lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, dịch vụ chiếm (45%), lưu trú, ăn uống (16%).
Điều này cho thấy không thể phủ nhận bộ phận lớn hộ kinh doanh cá thể cùng với đội ngũ doanh nghiệp đã, đang giữ vai trò quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Do vậy, nếu “chính thức hóa” hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh sẽ nâng cao chất lượng lao động, tạo sự chính xác, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh... Tuy nhiên, trên thực tế các hộ kinh doanh không mặn mà, thậm chí không muốn "lớn" thành doanh nghiệp.
Một phần do chính sách của HKD còn nhiều hạn chế so với doanh nghiệp. Cụ thể, hộ kinh doanh bị hạn chế về quyền kinh doanh, chỉ được đăng ký tại một địa điểm, hoạt động kinh doanh trong phạm vi quận, huyện, không mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa bàn khác. Chính vì vậy cần đưa HKD vào Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên mới đây, lấy ý kiến về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đã xuất hiện một số ý kiến thiếu tích cực cho rằng; nếu đưa HKD vào Luật Doanh nghiệp có thể làm tê liệt khu vực kinh tế năng động này, làm phát sinh tăng thêm các thủ tục hành chính gây cản trở sự phát triển.
Phải nhìn thẳng vào vấn đề, khi xác định có một chương riêng để điều chỉnh, thì các quy định phải được suy tính rõ ràng, xem xét nhiều khía cạnh để làm sao hạn chế tối đa những vướng mắc và vượt qua rào cản.
Trên thực tế mô hình HKD hiện nay là một loại hình kinh doanh không rõ ràng, thiếu chuẩn mực về mặt pháp lý. Nếu chúng ta cứ tiếp tục nghi ngại, chần chừ và không quyết tâm dẫn đến chậm chuyển đổi thì chắc chắn sẽ không tạo ra bước đột phá và phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế hội nhập như hiện nay.
Quyền lợi về pháp lý
Khi mô hình HKD được chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp chắc chắn nền kinh tế sẽ trở nên minh bạch hơn, hoạt động kinh doanh rõ ràng và tính tuân thủ pháp lý cao hơn.
Các quyền lợi và nghĩa vụ trong doanh nghiệp được quy định chặt chẽ và đầy đủ hơn. Bởi Luật Doanh nghiệp buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ đầy đủ, chế độ kê khai và điện tử hóa thông tin hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, không chỉ ràng buộc HKD chuyển đổi về mặt pháp lý mà còn được Luật Bảo vệ quyền lợi cho họ một cách đầy đủ, toàn diện, thúc đẩy HKD nâng cao tính chuyên nghiệp, trình độ quản lý ở cấp độ lớn hơn.
Đây không chỉ là động lực mà còn là đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế hội nhập nhanh hơn với Thế giới, tạo ra lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư bền vững. Ông Nguyễn Văn Nam: Giám đốc Công ty CP Office360 – Thành viên hội đồng tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho biết: Khi HKD được chuyển đổi thành doanh nghiệp thì các quyền lợi của người lao động được đảm bảo đầy đủ hơn như: được tham gia BHXH đầy đủ, được ký hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản rõ ràng, đảm bảo tính công bằng, hay tham gia vào các tổ chức công đoàn để đòi hỏi quyền lợi chính đáng. Điều mà bấy lâu nay lực lượng lao động làm việc trong thành phần HKD đang bị chủ kinh doanh cố tình hoặc lách luật cắt xén quyền lợi của người lao động. Do vây việc chuyển đổi HKD lên doanh nghiệp là bước đi cần thiết và tất yếu. Đảm bảo tính đồng bộ cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng pháp lý doanh nghiệp.
"Ngoài ra việc quản lý nguồn thu đóng góp vào ngân sách từ nghĩa vụ Thuế sau khi chuyển đổi lên doanh nghiệp cũng sẽ được thực hiện theo các công cụ quản lý hiệu quả, qua đó chắc chắn cơ chế quản lý thu ngân sách sẽ có bước tăng trưởng với tỷ lệ tương ứng so với mức độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Trong khi đó cơ chế thu thuế hiện nay đối với HKD đang áp dụng chủ yếu theo hình thức bình quân, áp theo mức thuế khoán thực sự chưa đảm bảo công bằng và minh bạch" - Ông Nam nói.
Đồng quan điểm, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết: Đây cũng là bước đi trong bối cảnh Chính phủ cải cách thủ tục hành chính theo hướng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, tăng cường cải cách môi trường pháp lý, đẩy mạnh thu hút đầu tư và hội nhập toàn cầu. Một loạt các văn bản Luật đã được sửa đổi mạnh mẽ như Luật Đầu tư, Luật Cư trú, Luật An ninh mạng,… Hướng tới Chính phủ điện tử, kinh tế số.
Đặc biệt, HKD sau khi chuyển đổi sẽ tiếp cận được nhiều chính sách ưu đãi hơn: Như doanh nghiệp được hỗ trợ về tiếp cận tín dụng, thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất, phát triển nhân lực.
Theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ tối thiểu 50% chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, như hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ; Khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới...
Với những quyền lợi chính đáng đã quy định, thì HKD cá thể sẽ được lợi ích rất lớn về các ưu đãi chính sách nếu đưa vào Luật Doanh nghiệp.