EVFTA: Cơ hội giảm thuế, tái cấu trúc chuỗi cung ứng
Với EVFTA, lần đầu tiên Việt Nam đạt được tỉ lệ ưu đãi cao nhất trong số các đối tác thương mại của Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
Theo dự kiến, hôm nay (8/6), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
85% dòng thuế về 0%
Ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Về biểu thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO.
Lộ trình cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng chính của Việt Nam như sau: ô tô (sau 9 năm đối với ô tô phân khối lớn trên 3000 cc cho động cơ xăng và trên 2500 cc cho động cơ diesel và 10 năm đối với các loại ô tô còn lại; linh kiện, phụ tùng ô tô (tối đa 7 năm); hóa chất (tối đa 7 năm); đồ uống có cồn (tối đa 10 năm); thịt bò (3 năm), thịt lợn đông lạnh (7 năm), thịt gà (10 năm); sữa và sản phẩm sữa (3 - 5 năm); cá và các sản phẩm cá (3 - 7 năm); thuốc lá, xì gà (15 năm); máy móc thiết bị (tối đa 7 năm)…
Về cam kết thuế xuất khẩu: Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu tập trung vào một số nhóm hàng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc)...
Áp lực nâng cao năng lực cho doanh nghiệp
Nhìn nhận những cơ hội mà EVFTA mang lại, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tham gia vào tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng mới đang bị đứt gãy do COVID-19, mở ra cơ hội về công nghệ, nguồn vốn tín dụng, lao động, tạo nên sức bật mới, tăng trưởng nhanh và bền vững khi cộng hưởng trong chuỗi giá trị gia tăng.
Mặc dù nhìn nhận cơ hội là rất to lớn khi EVFTA có thể góp phần làm GDP Việt Nam tăng thêm từ 2,18-3,25%, song ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng có 7 thách thức lớn đặt ra với cộng đồng doanh nghiệp.
Trước hết là yêu cầu về rào cản kỹ thuật như an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, về nguồn gốc xuất xứ. Sức ép cạnh tranh khi mở cửa thị trường, hàng hóa EU sẽ tràn vào Việt Nam với chất lượng, mẫu mã đẹp hơn.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng được trước nguy cơ về phòng vệ thương mại, khi các nước áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp. Ngoài ra là thách thức cạnh tranh nguồn lao động, trong bối cảnh doanh nghiệp hạn chế thông tin, chưa chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, lại thiếu vốn và nguồn lực cho sản xuất.
Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận cơ hội từ EVFTA và các hiệp định thương mại, cần phải có ba chương trình hành động, tập trung vào thị trường marketing và sale, nâng cao năng lực vốn và quản trị.
“Đề nghị Bộ Công Thương dành kinh phí xây dựng dữ liệu doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp trước khi muốn xuất khẩu vào thị trường nào sẽ tham khảo xem mình có thực hiện được không, khả năng ra sao. Hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng khó tiếp cận với đội ngũ chuyên gia hỗ trợ, nên rất cần có các chuyên gia chia sẻ thông tin nâng cao năng lực doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh”, ông Hùng nói.
Nhìn nhận doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khả năng tiếp cận nắm bắt về khía cạnh thông tin pháp luật, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh vai trò của cơ quan nhà nước trong triển khai thực thi, tận dụng cơ hội của hiệp định.
Theo đó, không chờ đợi hiệp định được Quốc hội dự kiến bấm nút thông qua vào ngày 8/6, Bộ Công Thương đã tổ chức tập huấn triển khai thực hiện việc cấp chứng nhận xuất xứ và các quy tắc quan trọng để phục vụ cho việc khai thác ưu đãi thương mại từ EVFTA.
“Kỳ vọng và mong muốn của chúng tôi là EVFTA phải được khai thác, tổ chức thực hiện với hiệu quả cao nhất cho đất nước, nhân dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Quyết tâm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tận dụng hiệu quả EVFTA
16:32, 07/06/2020
Vĩnh Hoàn và “bước nhảy” EVFTA
11:00, 06/06/2020
Lấy sức ép cạnh tranh từ EVFTA làm động lực đổi mới và phát triển
22:50, 05/06/2020
EVFTA và cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ
11:00, 02/06/2020