Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA
Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA đã chính thức được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao.
Sáng nay (8/6), tại buổi họp đầu tiên giai đoạn 2, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết phê chuẩn thông qua Hiệp định EVFTA đã được 100% số đại biểu (457 đại biểu) tham gia biểu quyết tại Hội trường tán thành, đánh dấu một thời khắc lịch sử trong tiến trình hội nhập của Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA được kỳ vọng góp phần làm GDP Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18-3,25% (giai đoạn 2019-2023); từ 4,57%-5,30% (giai đoạn 2024-2028) và 7,07%-7,72% (giai đoạn 2029-2033). Đặc biệt, EVFTA sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề thách thức.
Thị trường EU bao gồm 27 quốc gia, dân số 450 triệu người, GDP hằng năm đạt khoảng 16.000 tỷ USD cho thấy sự rộng lớn và sức hấp dẫn với Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng tốc xuất khẩu qua thị trường này. Hiện, các thị trường thuộc Liên minh châu Âu (EU) - thành viên của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là những thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam ở EU.
Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU 41,7 tỷ USD, ngang bằng với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Những thị trường của các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều có sự xuất hiện của các thành viên EU. Trong đó, điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 12,36 tỷ USD; Nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,06 tỷ USD; Nhóm nông lâm thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam (chiếm 15-17% kim ngạch xuất khẩu), chỉ sau Trung Quốc (20-22%); Ngoài ra, dệt may; giày dép; nông sản; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng… đều đang duy trì được kim ngạch hàng tỷ USD.
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Ở chiều ngược lại, hàng hóa của Việt Nam nhập từ các thành viên EU cũng đa dạng.
Điển hình như năm 2019, nước ta nhập khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Iceland với trị giá đến gần 2,3 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dược phẩm; hàng tiêu dùng; ô tô nguyên chiếc; mặt hàng thực phẩm: Trứng, sữa, mật ong, thịt gà, thịt bò, rau củ xứ lạnh… từ các thành viên EU.
Với việc xóa bỏ ngay lập tức 85,6% dòng thuế giữa Việt Nam với EU, nhiều ngành hàng của Việt nam sẽ có lợi thế vì giảm được chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất...
Các dấu mốc đàm phám Hiệp định EVFTA - Tháng 10/2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA. - Tháng 6/2012, Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. - Sau 14 phiên đàm phán, tháng 12/2015, hai bên đã khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. - Tháng 6/2018, EVFTA được tách làm hai Hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EVIPA. - Tháng 10/2018, Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua cả hai Hiệp định này. - Ngày 30/6/2019, hai Hiệp định đã được ký kết tại thủ đô Hà Nội. - Ngày 21/01/2020, Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. - Ngày 12/02/2020, Nghị viện châu Âu phê chuẩn hai Hiệp định EVFTA và EVIPA. - Ngày 8/6, Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp định EVFTA. |