Quốc hội chính thức thông qua Hiệp định EVIPA

ĐỖ HUYỀN 08/06/2020 09:28

Sáng nay (8/6), tại buổi họp đầu tiên giai đoạn 2, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) cũng đã được Quốc hội thông qua.

Đối với EVIPA, có 462 đại biểu tham gia biểu quyết, số phiếu tán thành là 461, không tán thành là 0, không biểu quyết 1. 

Trước đó, trong tờ trình về việc phê chuẩn hiệp định của Chủ tịch nước cho biết, EVIPA được coi là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư.

Tại ngày làm việc đầu tiên, giai đoạn hai, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã thông qua EVIPA. Ảnh: Quốc hội.

Tại ngày làm việc đầu tiên, giai đoạn hai, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã thông qua EVIPA. Ảnh: Quốc hội.

Theo đó, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn FDI trong những lĩnh vực mà EU có tiềm năng, thế mạnh như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính.

Các quy định của hiệp định được xây dựng chi tiết, có tiêu chí rõ ràng, ghi nhận quyền ban hành và thực hiện chính sách của mỗi bên. Điều đó góp phần bảo đảm để các quy định EVIPA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, giúp hạn chế tối đa khả năng tranh chấp xảy ra.

Mặt khác, việc thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp thường trực theo EVIPA để giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư của mỗi bên được đánh giá là bước tiến mới so với cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp theo từng vụ việc mà Việt Nam đã áp dụng theo 66 Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký kết trong gần 30 năm qua. 

Cơ chế thường trực sẽ loại bỏ sự can thiệp của nhà đầu tư vào việc lựa chọn thành viên cơ quan giải quyết tranh chấp, hạn chế xung đột lợi ích, nâng cao yêu cầu về chuyên môn và tính độc lập của các thành viên này. Mặt khác, quy trình giải quyết tranh chấp theo hai cấp (sơ thẩm và phúc thẩm) góp phần giảm rủi ro, nâng cao tính nhất quán của quá trình giải quyết tranh chấp.

Với những điểm tiến bộ nêu trên so với FTA song phương đã và đang có hiệu lực, EVIPA tạo cơ sở pháp lý bảo đảm Việt Nam thực thi các cam kết theo hiệp định này và pháp luật một cách công bằng, minh bạch, nhất quán và có hiệu quả.

Bên cạnh những cơ hội, Hiệp định EVIPA cũng có một số thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của nhà đầu tư nước ngoài; hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, thẩm phán, luật sư, trọng tài viên quốc tế, doanh nghiệp để đáp ứng xử lý các tranh chấp đầu tư theo hiệp định.

Có thể bạn quan tâm

  • Sẽ trình Quốc hội Nghị quyết công nhận và cho thi hành phán quyết EVIPA tại Việt Nam

    15:25, 01/06/2020

  • EVIPA và cơ chế giải quyết tranh chấp

    11:00, 01/06/2020

  • Hiệp định EVFTA và EVIPA nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

    10:23, 27/05/2020

  • Có nên ban hành Nghị quyết riêng về công nhận và thi hành phán quyết EVIPA?

    00:01, 21/05/2020

ĐỖ HUYỀN